Lấy phải chồng thích "nói chuyện" bằng nắm đấm

Quyên (36 tuổi, Nghệ An) lấy chồng năm hơn 20 tuổi và có 2 đứa con. Suốt 10 năm chung sống hiếm ngày nào chị không bị đánh, mắng, sỉ nhục. Thế nhưng, chị cam chịu, và lại cũng không biết tìm ai để cứu mình.

Cuộc sống vợ chồng chị cứ diễn ra trong im lặng, không ai nói với ai một lời. Có đến 4,5 tháng họ ngủ chung giường nhưng không hề chạm vào nhau. “Năm 31 tuổi tôi đồng ý ly hôn thì anh không muốn, lấy đó làm cớ đánh đập tôi. Suốt thời gian chờ ly hôn anh ấy đuổi tôi ra ngoài, rồi loan với làng xóm là tôi bỏ chồng con theo trai. Cuộc hôn nhân của tôi tan vỡ, bố mẹ đẻ cũng quay ra trách móc, hiểu lầm tôi”, chị cho biết.

Sau 6 tháng ly hôn, chồng đi bước nữa, còn chị lấy việc chăm con và tham gia các hoạt động phụ nữ, phòng chống HIV/AIDS làm niềm vui.

Từng ấy thời gian, làng xóm, chính quyền và người thân không ai can thiệp, giúp đỡ chị. Thậm chí, nhiều người còn quay ra chê trách chị vì cứ ngỡ vì chị xinh đẹp, lẳng lơ, vì chị có bồ nên mới bị chồng đánh, rồi bỏ chồng. "Cái mác trí thức của anh ấy đủ để khiến mọi ánh mắt xoi mói, lời lẽ khiếm nhã chĩa thẳng về phía tôi”, Quyên cho biết thêm.

Hơn Quyên 6 tuổi nhưng chị Năm (Hà Nam) nhìn như bà lão 60 với mái tóc xơ xác, đốm bạc, người thấp bé, da nhăn nheo. Vừa nhìn ai cũng biết chị khổ.

Ở cái tuổi tưởng như ế, chị được mai mối cho một người đàn ông nghèo. Hai người về sống với nhau trong căn nhà cũ nát của bố mẹ chị. “Cuộc sống của tôi là kịch bản lặp lại. Chồng cứ rượu vào là đánh đập, chửi bới. Lúc tỉnh ra cũng không thiết làm ăn, chỉ toàn lêu lổng”, chị nói.

Một mình chị Năm phải gồng mình chạy từng bữa cơm cho gia đình, cho 3 đứa con tuổi đi học. Ngoài vài sào ruộng, chị đi nhặt rác kiếm thêm. “Tôi bị chồng đánh nhiều nhất làng, người ta cứ khuyên tôi bỏ chồng nhưng rồi bỏ để làm gì. Cuộc sống của tôi bây giờ là các con. Tôi cố gắng chịu đựng, làm lụng cũng chỉ vì chúng”, chị nói.

Mới đây quê chị có chính sách cho hộ nghèo xây nhà mới, nhưng gia đình chị dù nghèo nhất làng cũng không thuộc diện này, vì không có sổ đỏ. “Lão chồng biết thế lại uống rượu, lại chửi bới mẹ con tôi. Giờ tôi chẳng dại gì để mình chịu đau nữa. Những lúc lão lên cơn say là tôi chạy sang hàng xóm ngủ. Một tháng cũng phải mười đêm bên đó”, chị thở dài vì không thể còn khóc được nữa.

Câu chuyện của chị Hương Ly (34 tuổi, Hòa Bình) cũng tương tự, vừa bị chồng bạo hành, vừa thành “vai ác” trong mắt người thân, hàng xóm.

Thường xuyên chửi bới, đánh đập vợ vô cớ, người chồng (theo lời chị là dân giang hồ) còn tìm cách cô lập Ly với nhà ngoại, bạn bè, hàng xóm. “Có chuyện gì xích mích với hàng xóm là anh đùn đẩy cho tôi giải quyết. Mọi người vốn đã hiểu lầm tôi càng ghét bỏ, không hợp tác với tôi. Những lúc đấy anh lại đóng vai người tốt, đứng về phía họ”, chị Ly kể.

“Có lần tôi bức xúc với chị gái một chuyện, vô tình kể với chồng thì đúng trong bữa cỗ của gia đình, anh bán đứng vợ bằng cách chỉ thẳng tay vào mặt chị gái tôi, nói ‘Ai cho mày nói câu đó với vợ tao’. Từ đó chị gái hiểu lầm và ghét tôi”, Ly chia sẻ.

Thế nhưng, hễ chị nói kêu với cơ quan chức năng thì chồng dọa sẽ giết tất cả những ai can thiệp. Cảm thấy bị đe dọa tính mạng nên sau một trận đòn, chị bỏ đi.

Cả 3 người phụ nữ này đều là nạn nhân của bạo lực gia đình, cùng cất tiếng nói chia sẻ tại Hội nghị quốc gia về phòng chống bạo lực gia đình diễn ra từ 27 đến 28/8 tại Hà Nội. Điểm chung của họ là đều phải tự bảo vệ mình trước đòn thủ ác của chồng, mà không trông cậy được vào các cơ quan bảo vệ luật pháp hay hàng xóm, người thân.

Luật Phòng chống bạo lực gia đình có hiệu lực từ năm 2008, và có ít nhất 11 văn bản hướng dẫn thi hành, song vẫn chưa đi vào thực tế. Tư tưởng "phép vua thua lệ làng" đã ăn sâu vào tâm trí người Việt nên khi có một vụ bạo hành ít được báo lên chính quyền, chỉ khi có hậu quả đáng tiếc cơ quan chức năng mới biết.

Nghiên cứu mới đây của Trung tâm CSaga tại một số tỉnh như Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam, Nghệ An... đều chỉ ra các địa phương vẫn chưa triển khai đầy đủ những văn bản phòng chống bạo lực gia đình. Nhất là xử lý với người gây bạo lực chỉ dừng lại ở việc răn đe, hòa giải hay phạt tiền. Trong khi đó, số liệu của công an cho thấy cứ 3 ngày là có một phụ nữ chết vì bạo lực gia đình.

Cũng vì thiếu kiến thức, không biết tìm ai để bảo vệ mình, hoặc nếu có tìm thì cũng vô tác dụng, nên những chị em bị chồng đánh đập thường chỉ biết im lặng. Điều tra quốc gia của Tổng cục thống kê và Bộ văn hóa thực hiện năm 2010, có tới 58% phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình. 87% trong số đó không hề tìm kiếm sự hỗ trợ nào và 49,6% thậm chí không hề tiết lộ việc mình bị bạo hành cho bất kỳ ai.

Không được luật bảo vệ, các chị em đành xoay xở tự bảo vệ mình. Cả 3 người phụ nữ trên cuối cùng đều tìm đến Câu lạc bộ Ngôi nhà bình yên của Trung tâm CSaga (nhà tạm lánh cho phụ nữ bị chồng đánh). Tại đây, họ được hướng dẫn những kĩ năng phòng chống bạo lực, giao lưu với người cùng cảnh.

“Tôi học được kỹ năng sống, cách nói chuyện nhẹ nhàng nhưng có tính thuyết phục với chồng. Nếu có gì sai trái, tôi đấu tranh đến cùng để thay đổi anh ấy. Nếu thấy anh chuẩn bị dùng bạo lực thì tôi sẽ bỏ đi chỗ khác. Vậy là 5 năm nay, gia đình tôi đã hạnh phúc trở lại. Chồng tôi tu chí làm ăn, thương vợ con hơn, còn thường xuyên giúp tôi việc nhà”, Hương Ly kể.

Có được kỹ năng tự bảo vệ mình, Hương Ly nhận ra rằng phụ nữ phải kiên cường, khôn khéo, quyết liệt nhưng mềm dẻo. Quan trọng nhất là phải tự chủ về kinh tế. Tự họ phải nhận thức được quyền sống, an toàn và hạnh phúc của mình.

* Tên nhân vật đã thay đổi.

Theo Phan Dương (VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm