Lật tẩy trò lừa đảo của đại lý vé máy bay ma

Những tấm vé máy bay của các hãng hàng không lớn được bán trôi nổi trên mạng trong thời gian gần đây đã làm nhiều hành khách thất thần khi đến tận sân bay, cầm vé đã mua trên tay mà không được bay vì vé giả.

Tiền đã thanh toán, chỗ vẫn còn ảo

Chị Nguyễn Lê, chủ một đại lý vé máy bay trên quận Tân Bình, chia sẻ: “Lựa chọn đặt vé máy bay qua đại lý được nhiều khách hàng ưu tiên do thủ tục đơn giản, nhanh chóng. Khách hàng chỉ cần cung cấp các thông tin cá nhân, ngày giờ bay, còn lại đại lý sẽ thực hiện tất cả bước đặt vé cho hành khách. Tuy nhiên, nhiều người đã dở khóc dở cười với những tấm vé máy bay giả của đại lý ma”.

Theo chị Lê, các đối tượng xấu thường xuyên đăng tải trên mạng xã hội những mức giá vé rẻ hơn từ vài trăm đến cả triệu so với giá vé sàn của các hãng hàng không để dụ dỗ người mua. Thực tế, nếu đặt qua các đại lý thì mức chênh lệch chỉ 20.000-150.000 đồng so với giá của hãng. Đây là chiêu bài hữu hiệu đánh vào lòng tham của khách hàng.

Ngay khi đã ưng ý với mức giá được quảng bá, khách hàng sẽ tương tác với đại lý để làm thủ tục đặt vé. Lúc này các đại lý ma tiến hành làm thủ tục đặt chỗ cho khách hàng.

Tuy nhiên, các đối tượng mạo danh sẽ lợi dụng tính năng thanh toán sau, cho phép người đặt được thanh toán tiền vé trong 24 giờ sau khi đặt chỗ để tạo mã đặt chỗ ảo gửi cho khách hàng làm tin và yêu cầu khách hàng chuyển tiền thanh toán lại cho đại lý. Trong khi đó, đại lý không hề thanh toán tiền vé cho hãng hàng không, sau 24 giờ vé sẽ tự hủy trên hệ thống.

Tinh vi hơn, các đại lý ma vẫn tiến hành thanh toán, xuất vé cho hành khách. Nhưng sau đó họ sẽ yêu cầu hãng hàng không cho hoàn vé. Với thủ thuật này, các đối tượng xấu được nhận lại toàn bộ tiền vé và chỉ mất một khoản phí nhỏ thủ tục hoàn vé.

Để tránh các đại lý ma giở trò hoàn vé, hành khách nên thực hiện thủ tục check-in trước để xác nhận với các hãng hàng không. Ảnh: HOÀNG GIANG

Cách đặt vé để không bị lừa

Theo chị Lê, để tránh trở thành “miếng mồi” cho các đối tượng lừa đảo, hành khách nên mua vé máy bay trực tiếp tại sân bay hoặc thông qua các ứng dụng trực tuyến của các hãng hàng không. Trong trường hợp phải mua qua đại lý, khách hàng nên lựa chọn các đại lý có uy tín. Tốt nhất khách hàng nên gọi điện thoại đến tổng đài của các hãng hàng không để kiểm tra các thông tin, mức độ tin cậy của đại lý bán vé mình muốn mua. Đây cũng là cách giúp khách hàng nhận diện ra các đại lý ma.

Mặt khác, hành khách nên tham khảo giá vé máy bay từ nhiều đại lý khác nhau và so sánh giá của hãng hàng không (nếu có thể) để xác định mức giá phù hợp. Tránh tham của rẻ mà tiền mất tật mang.

Ngay khi nhận được mã đặt chỗ, khách hàng phải kiểm tra thật kỹ thông tin ghi trên vé, đặc biệt là mục thanh toán, xem vé đã thanh toán hay chưa. Nếu là mã đặt chỗ ảo thì mục thanh toán sẽ ghi “chưa thanh toán”.

Nếu rơi vào trường hợp, vé ghi “chưa thanh toán”, khách hàng ngay lập tức gọi điện thoại đến đại lý để yêu cầu đại lý phải nhanh chóng thanh toán tiền vé cho hãng hàng không để được xuất vé.

Ngoài ra, để tránh các đại lý ma giở trò hoàn vé, hành khách nên thực hiện thủ tục check-in trước để xác nhận với các hãng hàng không.

Khách hàng khi đặt vé qua các đại lý nên yêu cầu cung cấp hóa đơn, chứng từ thanh toán tiền vé để làm bằng chứng khi có tranh chấp xảy ra.

Tiền mất tật mang vì mua nhầm vé giả

Bỏ ra trên 100 triệu đồng để mua 38 vé máy bay khứ hồi TP Vinh - TP.HCM, ông Cao Anh Ngọc (ngụ TP Vinh, Nghệ An) mới đây không khỏi điêu đứng khi biết 24/38 vé chiều đi không hợp lệ và ông phải tốn hơn 79 triệu đồng để mua lại vé cho khách đi tour đã đặt.

Ông Ngọc cho biết ông đã đặt mua số vé trên qua một tài khoản Zalo tên HT, nhân viên của một công ty có trụ sở tại quận Tân Bình, TP.HCM. Theo thỏa thuận hai bên, giá vé là 3,3 triệu đồng/vé khứ hồi, trong đó vé chiều đi của hãng Vietnam Airlines. Khi đặt mua vé, ông Ngọc nhận được một cuốn vé gồm 38 vé khứ hồi và chuyển khoản tiền tương ứng với số vé đặt mua là 100 triệu đồng. Khi ông yêu cầu cung cấp toàn bộ số vé thì được tài khoản Zalo HT hứa hết lần này qua lần khác. Về sau Zalo này đã khóa tài khoản và thu hồi tất cả tin nhắn giao dịch với ông Ngọc.

Ngày 11-7, ông Ngọc đã bay từ Nghệ An vào TP.HCM tìm đến công ty trên làm việc trực tiếp. Giám đốc công ty này đã thừa nhận hoàn toàn số tiền giao dịch và các thỏa thuận mà phía ông Ngọc đã cung cấp. Tuy nhiên, giám đốc công ty từ chối hoàn tiền với lý do có người thứ ba mạo danh Zalo của bà HT để lừa đảo. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm