Lấp giếng khoan, người dân được hỗ trợ chi phí

Theo Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH một thành viên (Sawaco), trên địa bàn TP.HCM hiện nay có hơn 100.000 giếng khoan, đây là một trong những nguyên nhân gây sụp lún đất ở một số nơi tại TP.HCM trong thời gian qua. Sawaco đang vận động người dân lấp, trám giếng khoan. Mọi chi phí trám, lấp giếng do công ty cấp nước ở các quận, huyện hỗ trợ toàn bộ.

Trám, lấp giếng miễn phí

Anh Nguyễn Văn Khoa (quận Bình Thạnh) cho biết gia đình sử dụng giếng khoan cũng hơn 10 năm rồi, chủ yếu để rửa xe, tưới cây và sử dụng khi nước máy vẩn đục. “Ban đầu tôi cứ nghĩ nước giếng ngầm rất sạch, không có hóa chất nên tính sử dụng lâu dài. Về sau nghe chính quyền tuyên truyền rằng sử dụng giếng khoan chứa nhiều chất độc không tốt cho sức khỏe, thậm chí gây sụt lún, ô nhiễm nguồn nước nên tôi quyết định trám giếng lại” - anh Khoa nói.

Anh Vũ Minh Tiết (Đội thi công trám, lấp giếng, Công ty CP Cấp nước Gia Định) cho biết sau khi tuyên truyền người dân về những ảnh hưởng khi sử dụng giếng khoan, nhiều người dân đã vui vẻ chấp thuận. “Sử dụng nước giếng khoan rất nguy hiểm, nhiều giếng dùng lâu ngày, cắt đường ống thì nước trào lên đỏ lè do nhiễm phèn. Máy móc bị gỉ sét, nước thì đỏ lòm, nếu người dân vẫn tiếp tục sử dụng thì hết sức nguy hiểm. Tôi đã chụp lại những hình ảnh này để tuyên truyền, mong người dân đừng dùng giếng khoan nữa” - anh Tiết nói.

Ông Nguyễn Văn Đắng, Giám đốc Công ty CP Cấp nước Gia Định, cho biết hiện nay đang có hơn 17.000 giếng khoan thuộc các quận 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận và Gò Vấp. Công ty đang liên hệ, vận động người dân trám, lấp giếng khoan, sử dụng nước máy.

Người dân được hỗ trợ chi phí lấp, trám giếng ngầm (1-2 triệu đồng), được giảm giá để khuyến khích các hộ dân dùng nước sạch. Ảnh: ĐÀO TRANG

Trong năm 2019, công ty sẽ vận động khoảng 2.000 hộ dân trám, lấp giếng khoan và năm 2020 là 3.000 hộ. Từ năm 2021 đến 2025, công ty sẽ vận động 12.000 hộ dân thôi dùng giếng khoan để chuyển qua sử dụng nước sạch. Tuy nhiên, trong quá trình phối hợp với UBND quận, phường vận động người dân giảm và ngừng khai thác nước dưới đất còn gặp một số khó khăn. Các quy định hiện hành về quản lý tài nguyên nước chỉ yêu cầu giảm khai thác, chưa có quy định cấm; chưa có chế tài cụ thể đối với cá nhân, tổ chức đã được cấp nước nhưng vẫn sử dụng nước dưới đất. Bên cạnh đó, người dân đã quen với việc sử dụng nước giếng dự phòng khi bị cúp nước nên có một số hộ vẫn chưa đồng ý cho trám giếng.

Trước những khó khăn trên, công ty đã tuyên truyền về tác hại khi sử dụng giếng ngầm. Đồng thời cũng lên phương án hỗ trợ trám giếng miễn phí cho các hộ dân, trung bình mỗi giếng có chi phí 1-2 triệu đồng và do nhân viên của công ty thực hiện.

Giảm khai thác nước theo lộ trình

Ông Bùi Thanh Giang, Phó Tổng giám đốc Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco), cho biết khai thác nước ngầm quá mức không chỉ là nguyên nhân gây ra tình trạng lún mà còn làm suy thoái, cạn kiệt tài nguyên nước, tăng đáng kể khả năng xâm nhập mặn, ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước dưới đất, đồng thời tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người.

Vì vậy, UBND TP đã đề ra chương trình hạn chế khai thác nước ngầm, trong đó xác định giảm lưu lượng khai thác từ nay đến năm 2025.

Sawaco và các công ty cấp nước thành viên sẽ đảm bảo việc cung cấp nước chất lượng, an toàn cho các quận, huyện trên địa bàn TP với gần 1,5 triệu đồng hồ nước. TP đã hoàn thành chỉ tiêu cấp nước sạch cho 100% hộ dân qua nhiều giải pháp như phát triển mạng lưới, gắn đồng hồ, bồn chứa nước tập trung...

“Để giúp người dân thay đổi nhận thức và khuyến khích sử dụng nước sạch thay cho nước ngầm, Sawaco đã triển khai nhiều giải pháp: Vận động người dân hạn chế khai thác nước ngầm, giảm giá để khuyến khích các hộ dân đã được gắn đồng hồ nước nhưng không sử dụng nước, bán giá sỉ cho các khu chế xuất - khu công nghiệp…” - ông Bùi Thanh Giang cho biết.

Các công trình nước ngầm sẽ chuyển sang chế độ dự phòng

Sawaco cho biết đơn vị này đã xây dựng kế hoạch giảm khai thác nước ngầm với mục tiêu giảm dần lượng khai thác, góp phần giảm tổng lượng nước ngầm khai thác trên địa bàn TP. Đơn vị này đang chuyển các công trình khai thác nước ngầm hiện hữu sang chế độ dự phòng nhằm đảm bảo an toàn cấp nước cho TP khi có sự cố về nguồn nước mặt, trám lấp các giếng không còn sử dụng để bảo vệ nguồn nước ngầm.

Lượng nước ngầm mà Sawaco khai thác hiện nay là 130.000 m3/ngày, sẽ giảm còn 70.000 m3/ngày vào năm 2020 và đến năm 2025 chỉ còn 30.000 m3/ngày. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm