Làm gì với chợ tiền tỉ bỏ hoang?

Theo một số tiểu thương trên địa bàn quận 9, từ năm 2004, quận 9 bắt đầu cho xây dựng một số ngôi chợ mới nhằm đưa dân vào trong chợ buôn bán, từ đó dẹp bỏ chợ tự phát. Tuy nhiên, ngay từ khi xây dựng xong, hai ngôi chợ trên địa bàn quận 9 trở thành chợ hoang.

Chợ ế nên bỏ hoang

Chợ Phú Hữu nằm trong khu đất khoảng 2.000 m2 ở đường Nguyễn Duy Trinh, phường Phú Hữu (quận 9) nhiều năm nay bỏ hoang. Chợ có sức chứa hàng ngàn người, hơn 160 sạp nhưng nay các kiốt bụi bám thành mảng, mái nhà đã bị dột ướt, các sạp, khung thép, mái tôn đều bị gỉ sét.

Chị Nguyễn Thị Hạnh, người bán hàng ăn trước cổng chợ cho biết: “Từ khi xây dựng đến nay, chợ cũng có vài người vào buôn bán nhưng vì ế khách quá nên họ bỏ đi chợ khác bán, còn tôi thì ra hẳn sân chợ buôn bán cho tiện. Khu vực này gần đường lộ lớn nhưng để vào chợ thì khó vì số lượng xe container đi lại nhiều, gây nguy hiểm cho người đi chợ”.

Tương tự, chợ Tân Phú, phường Tân Phú, quận 9 sau khi đầu tư xây dựng 2,5 tỉ đồng cũng đang trong tình trạng bỏ hoang, nhiều người dân gọi đây là chợ ma. Chợ Tân Phú với diện tích khoảng 4.000 m2, có sức chứa hơn 300 sạp hàng nhưng cũng đều bỏ không vì không thu hút được cả người mua và người bán. Nhiều công trình của chợ đang bị hoen gỉ, khuôn viên thì bị biến thành nơi phơi đồ cho nhiều hộ dân.

Cách đó không xa, chị NTP bán cá cho biết: “Mang tiếng buôn bán trong chợ nhưng không có khách nên tôi đành ôm hàng ra ven đường để bán. Vị trí chợ chưa hợp lý vì từ đường lộ đi vào chợ khá xa và khu này khá ít dân nên chợ biến thành nơi hoang tàn”.

Chợ Phú Hữu bị bỏ hoang hơn 10 năm nay, các kiốt trong chợ đã bị mục nát. Ảnh: ĐÀO TRANG

Chợ Tân Phú (quận 9) được ví như ngôi chợ ma. Ảnh: ĐÀO TRANG

Nghèo và phí

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Phước Hùng, Chủ tịch UBND phường Phú Hữu, quận 9, lý giải chợ Phú Hữu được xây dựng từ năm 2004 theo chủ trương xây dựng cơ sở vật chất cho các xã, phường nghèo. Đa số các tiểu thương trong chợ cũng xuất phát điểm là các hộ xóa đói giảm nghèo nên vốn và kỹ năng kinh doanh còn nhiều hạn chế.

Không chỉ vậy, chợ Phú Hữu nằm tại mặt tiền đường Nguyễn Duy Trinh, tiếp giáp vòng xoay đi cầu Phú Mỹ, cảng Cát Lái, cảng Phú Hữu, khu công nghệ cao và vành đai 2, nơi có các phương tiện có tải trọng lớn lưu thông qua lại thường xuyên nên việc ra vào chợ cũng rất nguy hiểm.

Cũng theo ông Hùng, hiện nay chợ xuống cấp nghiêm trọng, không đáp ứng hoạt động buôn bán. Phường dự kiến sẽ sửa chữa lại chợ, tuy nhiên phường chưa đủ ngân sách, bà con tiểu thương cũng không có khả năng kinh tế… Vì thế, UBND phường đã kiến nghị với UBND quận 9 cho xã hội hóa để sửa chữa, làm mới chợ.

Ông Huỳnh Văn Nam, Phó Chủ tịch phường Tân Phú, quận 9, cho biết chợ Tân Phú được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế của bà con tiểu thương lúc bấy giờ vì chợ Tân Nhơn bị giải tỏa để xây dựng vòng xoay Xuyên Á.

Tuy nhiên, khi chợ Tân Phú đi vào hoạt động thì chợ bị bỏ không vì vị trí địa lý không thuận lợi, khu dân cư thưa thớt, giao thông bất tiện vì chỉ có một con đường duy nhất dẫn vào chợ, gây khó khăn cho tiểu thương và người dân. UBND phường đã kiến nghị với UBND quận đưa ra phương án sửa chữa theo hình thức xã hội hóa hoặc thay đổi công năng chợ nhằm sử dụng có hiệu quả mặt bằng.

Xem xét xã hội hóa chợ

Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết các chợ hiện nay do quận, huyện quản lý trực tiếp bao gồm việc xây dựng lại, sửa chữa, cải tạo, di dời…

Theo UBND quận 9, ngân sách nhà nước không đầu tư, xây dựng, nâng cấp, sửa chữa các chợ mà kinh phí chủ yếu được dùng từ nguồn vận động. Hiện UBND quận 9 đã trình Sở KH&ĐT về việc đăng ký danh mục các chợ cần xã hội hóa và đề nghị hướng dẫn về quy trình xã hội hóa chợ.

Trao đổi với chúng tôi, đại diện Sở KH&ĐT cho biết hiện nay Sở đang tiếp nhận các chợ đang cần xã hội hóa. Các quận, huyện gửi danh mục này cho Sở tổng hợp, từ đó tìm ra các nhà đầu tư tiềm năng. Sau đó, Sở KH&ĐT sẽ tham mưu UBND TP để đưa ra phương án xã hội hóa chợ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm