Kỷ luật đại úy đứng nhìn dân vật lộn với cướp: Quá nhẹ!

Những ngày qua, vụ việc Đại úy Nguyễn Văn Lâm, cán bộ Công an xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội, chỉ bấm điện thoại khi một tài xế taxi đang vật lộn với tên cướp gây sự bất bình trong dư luận.

Ngay sau khi vụ việc được chia sẻ trên mạng xã hội, Công an TP Hà Nội đã vào cuộc xác minh và đã ra quyết định kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo, đồng thời điều chuyển công tác đối với Đại úy Lâm. Tuy nhiên, nhiều bạn đọc cho rằng hình thức kỷ luật cảnh cáo còn quá nhẹ, chưa tương xứng với tính nghiêm trọng của vụ việc.

Đề nghị đuổi ra khỏi ngành

Dựa vào đoạn clip lan truyền trên mạng, có thể thấy lúc vật lộn với tên cướp thì trước đó nam tài xế đã bị đâm và đang chảy máu.

Trước tình huống nguy cấp như vậy nhưng đại úy công an đứng gần đó vẫn thản nhiên để cho người dân tự khống chế tội phạm. Dưới đây là một vài trong rất nhiều bình luận của bạn đọc bày tỏ về mức kỷ luật đối với Đại úy Lâm.

Bạn đọc Vinh cho biết: “Anh làm công an được đào tạo bài bản, thấy cướp mà chỉ đứng bấm điện thoại thì không có nhiệt huyết, không có phản ứng nhanh nhạy theo tác phong của ngành và không có tinh thần dám hy sinh. Nên cho anh ấy ra khỏi ngành”.

“Người ta luôn nghĩ công an là bảo vệ dân, trấn áp tội phạm... Thế nhưng, việc thờ ơ của một sĩ quan công an khi đứng nhìn người dân đang vật lộn với tên cướp có vũ khí thì khó có thể chấp nhận. Thiết nghĩ, việc để người dân phải vật lộn tên cướp với mình đầy máu me mà không có sự can thiệp, hỗ trợ nào thì đúng ra phải kỷ luật bằng hình thức giáng cấp hàm. Nếu nặng hơn thì cho ra khỏi ngành” - bạn đọc VH cho ý kiến.

Cùng quan điểm với số đông, bạn đọc Binh Dien bày tỏ: “Không phải là thờ ơ, thiếu trách nhiệm nữa mà phải gọi là vô cảm, vô trách nhiệm, điều cần thiết là sa thải khỏi lực lượng công an để lấy lòng tin cho nhân dân, trong sạch lực lượng”.

Vị cán bộ công an (bìa phải) thiếu quyết liệt khi xử lý vụ cướp.
(Ảnh chụp từ clip)

Khống chế tội phạm là trách nhiệm của công an

Liên quan đến vụ việc trên, luật sư Nguyễn Văn Nhàn, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết tại Điều 15, Điều 16 Luật Công an nhân dân (CAND) 2018 quy định rõ chức năng và nhiệm vụ của công an nhân dân.

Theo đó, chức năng của lực lượng CAND là bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội…

Bên cạnh đó, một trong những nhiệm vụ của lực lượng CAND là bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân…

Vì vậy, đấu tranh phòng chống tội phạm và bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là việc các chiến sĩ CAND phải làm.

Theo luật sư Nhàn, trong trường hợp này, khi thấy có người đang xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của người dân thì việc đầu tiên mà đại úy công an này cần phải làm ngay lập tức là trấn áp tội phạm để tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra. Với các kỹ năng, nghiệp vụ được đào tạo thì hành động làm ngơ trước tội phạm, để người dân tự đối mặt như trên là một hành động ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh lực lượng CAND.

Về hình thức xử lý kỷ luật, luật sư Nhàn cũng cho biết hiện nay trong ngành CAND có một số hình thức kỷ luật như khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng cấp bậc hàm, tước danh hiệu CAND…

Về mức kỷ luật mà dư luận cho là còn quá nhẹ, trao đổi với báo chí, một lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an cho biết lãnh đạo Bộ Công an đã nắm được thông tin và đang xem xét.•

 

Công an phải là hiệp sĩ bảo vệ người dân

Trung tá Đào Trung Hiếu (chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an, cũng là người từng có nhiều năm “đánh án”) cho rằng Đại úy Lâm đã không làm việc cần phải làm của một chiến sĩ công an trong tình huống khẩn cấp.

“Đại úy Lâm chỉ đứng nhìn và bấm điện thoại, không hề tham gia hỗ trợ người dân bắt tội phạm, đó thực sự là một hình ảnh vô cùng phản cảm, làm xấu đi hình ảnh người chiến sĩ CAND” - ông Hiếu thẳng thắn.

Dù vậy, Trung tá Hiếu nhận định đây chỉ là trường hợp hy hữu, bởi lực lượng công an còn có vô số tấm gương dũng cảm trong chiến đấu, hy sinh quên mình vì nhiệm vụ, quả cảm đối diện với hiểm nguy để bảo vệ nhân dân.

Nhìn nhận khía cạnh khác, ông Hiếu cho rằng có thể Đại úy Lâm không phải vô cảm, thiếu trách nhiệm mà do trình độ nghiệp vụ, kỹ năng xử lý tình huống “quá yếu kém”. Thực tế, Đại úy Lâm đã gọi điện thoại về công an xã xin chi viện lực lượng đến hỗ trợ bắt nghi phạm chứ không phải là không có động thái gì.

“Lẽ ra, với tình huống vô cùng cấp thiết lúc đó, Đại úy Lâm phải ngay lập tức xông vào hỗ trợ đánh bắt, khống chế nghi phạm. Nếu khó khăn, có thể kêu gọi người đi đường tham gia giúp sức khóa trói. Sau khi khống chế thành công mới gọi điện cho đơn vị cử người ra tiếp nhận” - ông Hiếu nói.

Trung tá Hiếu nhấn mạnh “công an phải là hiệp sĩ bảo vệ người dân”. Bằng nghiệp vụ và võ thuật đã được trang bị, người chiến sĩ công an phải tính toán rất nhanh phương án tiếp cận, đánh bắt để giải quyết tình huống. Ở đây không có chỗ cho sự nhút nhát, sợ hãi, chần chừ hay trốn tránh trách nhiệm.

TUYẾN PHAN

Bộ Công an khen tài xế taxi khống chế kẻ bị truy nã

Ngày 18-5, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, có thư khen gửi ông Nguyễn Trần Minh, 45 tuổi, lái xe taxi, trú tại Long Biên, Hà Nội, vì đã dũng cảm khống chế đối tượng đặc biệt nguy hiểm.

Theo đó, khoảng 16 giờ ngày 16-5, trong lúc điều khiển ô tô hãng Taxi G7 biển kiểm soát 30A-388.54 tại đoạn đường Cienco 5, ông Minh bị khách đi xe là Đặng Phạm Sáu (51 tuổi, trú tại Thanh Hóa, là đối tượng truy nã đặc biệt về hành vi giết người) dùng dao tấn công.

Mặc dù bị đâm trọng thương nhưng ông Minh vẫn quyết tâm khống chế, cùng với quần chúng nhân dân bắt giữ được đối tượng đặc biệt nguy hiểm.

Theo lãnh đạo Bộ Công an, hành động quả cảm của ông Minh và quần chúng nhân dân đã thể hiện tinh thần kiên quyết đấu tranh, trấn áp tội phạm đến cùng, là tấm gương điển hình, cổ vũ nhân dân tích cực tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Thứ trưởng Lê Quý Vương nhiệt thành biểu dương, khen ngợi việc bắt giữ đối tượng Đặng Phạm Sáu và thành tích của ông Minh; mong ông tiếp tục phát huy tinh thần dũng cảm, làm nhiều việc tốt hơn nữa, góp phần giữ gìn an ninh, trật tự.

Thứ trưởng cũng đề nghị Cục Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc chủ trì, phối hợp với Cục Công tác đảng và công tác chính trị, Cục Truyền thông công an nhân dân, Công an TP Hà Nội thăm hỏi, động viên ông Minh; tổ chức tuyên truyền, biểu dương gương người tốt, việc tốt, có hình thức động viên, khen thưởng xứng đáng và thay mặt lãnh đạo bộ trao thưởng đối với ông Minh. PHÚC BÌNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm