Kiến nghị bỏ quy định chưa hợp lý khi tuyển dụng thư ký toà

Tuần qua, báo Pháp Luật TP.HCM đã có thông tin phản ánh về vấn đề cơ hội việc làm cho các cử nhân luật khi thi tuyển vào ngành toà án. Các bài viết "Cơ hội nào cho cử nhân luật vào ngành tòa án?", "Đừng để cử nhân luật bị bít cửa vào ngành tòa án", "Bàn tiếp về điều kiện tuyển thư ký tòa án" đã thu hút được sự quan tâm lớn của bạn đọc.
Theo Thông báo số 607/TB-TANDTC ngày 18-9-2020 của TAND Tối cao (về việc tuyển dụng công chức vào ngành tòa án năm 2020), đơn vị này tuyển dụng 195 công chức ngạch thư ký viên cho 34 TAND các tỉnh, thành trên cả nước.
Ngoài các tiêu chuẩn là có trình độ cử nhân luật trở lên, chứng chỉ ngoại ngữ trình độ bậc 2, chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản thì điều kiện nữa là: Đã được đào tạo nghiệp vụ thư ký tòa án hoặc nghiệp vụ tòa án, chuyên ngành xét xử hoặc nghiệp vụ xét xử.
Trong khi môn học nghiệp vụ thư ký tòa án hoặc nghiệp vụ tòa án, chuyên ngành xét xử hoặc nghiệp vụ xét xử, hiện nay chỉ có Học viện Tòa án (HVTA) thuộc TAND Tối cao mới đào tạo.
Với điều kiện nói trên thì một cử nhân trường luật dù tốt nghiệp loại giỏi cũng không đủ tiêu chuẩn nộp hồ sơ tuyển dụng vào ngành tòa án.
Đa số bạn đọc đều cho rằng việc quy định điều kiện liên quan đến nghiệp vụ mà chỉ sinh viên (SV) ở Học viện Tòa án (HVTA) thuộc TAND Tối cao mới được đào tạo là quy định mang tính độc quyền, không có sự công bằng cho cử nhân luật của các cơ sở đào tạo luật khác trong cả nước. PLO xin trích dẫn một số ý kiến bình luận của bạn đọc về vấn đề này:
- Sinh viên luật nào cũng có thể tham gia lớp luật sư của Học viện Tư pháp. Trong khi nghiệp vụ xét xử thì chỉ sinh viên học viện tòa án được đào tạo. Quy định như trên là không công bằng và không có nước nào lại quy định nhân lực của tòa án lại chỉ tốt nghiệp từ một trường thuộc tòa cả.
Thật bất công và vô lý, về đào tạo luật thì Đại học Luật Hà Nội và Đại học Luật TP.HCM, Khoa Luật Đại hoc quốc gia Hà Nội là những trường tốt nhất, truyền thống nhất. Không thể lấy lý do chưa có nghiệp vụ về thư ký tòa hay xét xử mà tước đi cơ hội của những sinh viên luật có nguyện vọng vào tòa, trở thành thẩm phán bảo vệ công lý được.
Tòa giới hạn như thế là không công tâm với các em ấy cũng như hạn chế phát triển của đội ngũ nhân lực tòa án sau này - bạn đọc Phạm Yến
- Ngày trước Học viện Tư pháp đào tạo lớp nghiệp vụ xét xử, nghiệp vụ kiểm sát thì bây giờ lại chỉ đào tạo gộp, gây nhiều khó khăn cho những cử nhân luật muốn cống hiến trong ngành tòa án, kiểm sát.
Thiết nghĩ Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phải ngồi lại với nhau về việc đào tạo luật hiện nay, - bạn đọc Le An.
- Với quy chế hiện nay, rõ ràng có sự phân biệt giữa sinh viên HVTA với sinh viên luật của các trường khác. Điều này tạo ra môi trường cạnh tranh không bình đẳng, hạn chế đi cơ hội của các sinh viên luật trường khác. Đặc biệt là những trường có chất lượng đã được khẳng định, hàng đầu của Việt Nam như Đại học Luật Hà Nội, Đại học Luật TP.HCM.
Việc đưa ra điều kiện tuyển dụng phải có chứng chỉ nghiệp vụ là bất ổn (vì chỉ có HVTA và HVTP được đào tạo nghiệp vụ này). Và sinh viên của HVTA trong chương trình cử nhân bốn năm đã được học luôn nghiệp vụ đó. Đây là điểm không công bằng với các trường luật khác không được đào tạo nghiệp vụ.
Muốn vào làm việc trong hệ thống Tòa án thì phải học thêm nghiệp vụ dù đã trải qua bốn năm cử nhân Luật. Không phải ai cũng có điều kiện về thời gian, tiền bạc... đó là sự cản trở, giảm cơ hội của họ.
Hơn nữa, ở các quốc gia phát triển về pháp luật, hệ thống tòa án của họ không bao giờ có việc chỉ tuyển dụng cử nhân do trường đào tạo thuộc Tòa án, mà cơ hội luôn bình đẳng cho mọi sinh viên được đào tạo về ngành luật - bạn đọc Lê Văn Tốp.
- Điểm thi vào Đại học Luật Hà Nội, Đại học Luật TP.HCM thường cao hơn HVTA và chắc chắn giáo viên của hai trường Đại học Luật Hà Nội và Đại học Luật TP.HCM giỏi và rất có kinh nghiệm.
Do vậy việc TAND Tối cao qui định về điều kiện mà chỉ có sinh viên HVTA mới có như vậy là không công bằng và Nhà nước đang rất phí một lực lượng sinh viên ngành luật chính qui, chuyên sâu. Do đó chúng tôi đề nghị TAND tối cao bỏ qui định tuyển dụng như thời gian vừa qua- bạn đọc Bay Chương.
- Tòa án hay kiểm sát thì cũng đều tuyển cử nhân luật, đều là những luật gia thôi chứ không phải riêng biệt như ngành quân đội hay cảnh sát. Do đó, không thể có tư duy bó hẹp chỉ tuyển trường mà mình mở ra như vậy được.
Như vậy vừa không công bằng cho sinh viên các trường luật khác, vừa hạn chế phát triển đội ngũ công chức tòa, viện sau này. Mong PLO tiếp tục lấy ý kiến của Bộ Tư pháp, Bộ giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ và các cơ sở đào tạo luật khác để kiến nghị bỏ quy định bất hợp lý này - bạn đọc An Khánh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm