Kiện đòi giấy đỏ, vì sao tòa không xử?

Ngày nọ, khi phát hiện con dâu đã lén làm giấy đỏ phần đất này, bà bèn gọi con dâu đến hỏi chuyện. Nhận lỗi trước mẹ chồng, con dâu đồng ý giao lại giấy đỏ cho mẹ chồng nắm giữ, đồng thời hứa sẽ tiến hành thủ tục sang tên đất cho mẹ chồng. Nhưng rồi người con dâu đã không giữ lời hứa.

Nơi thụ lý, nơi không

Năm 2008, con dâu và con trai bà L. kéo nhau ra tòa để ly hôn và không yêu cầu được giải quyết về tài sản chung. Mới đây, con dâu cũ đã phát đơn kiện con trai bà L. ra tòa để đòi lại giấy đỏ. Cô này bảo rằng khi còn chung sống, người chồng đã lén lấy giấy đỏ của cô đem về nhà mẹ ruột cất giấu. Tuy nhiên, đơn khởi kiện của cô đã không được tòa án huyện thụ lý.

Năm 2007, Tòa dân sự TAND tối cao đã có công văn chỉ đạo các tòa cấp dưới không được quyền thụ lý yêu cầu đòi giấy đỏ. Công văn có nêu: “Theo quy định tại Điều 259 Bộ luật Dân sự thì khi thực hiện quyền sở hữu, quyền chiếm hữu của mình, chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có quyền yêu cầu người có hành vi cản trở trái pháp luật phải chấm dứt hành vi đó; nếu không có sự chấm dứt tự nguyện thì có quyền yêu cầu tòa án, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khác buộc người đó chấm dứt hành vi vi phạm”. Mặc dù viện dẫn vậy nhưng Tòa dân sự TAND tối cao lại kết luận: “Như vậy, trong trường hợp đòi lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì đương sự có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khác giải quyết”.

Hướng dẫn trên đã làm cho nhiều tòa bối rối khi tiếp nhận các đơn kiện đại loại như của cô con dâu nêu trên. Bởi lẽ trước đó nhiều tòa án vẫn thụ lý bình thường nội dung khởi kiện này với lý do giấy đỏ cũng là tài sản nên người có tên trên giấy có quyền kiện đòi lại tài sản theo Điều 256 Bộ luật Dân sự năm 2005. Tuy nhiên, nhiều tòa khác lại từ chối thụ lý với lý do không có điều luật nào trong Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 cho phép tòa án thụ lý loại tranh chấp này.

Xử lý cách nào?

Một số chuyên gia gợi ý người bị người khác chiếm giữ giấy đỏ có thể làm đơn cớ mất giấy để được UBND cấp huyện cấp lại giấy khác theo Điều 41 Nghị định số 181 năm 2004.

Thế nhưng luật sư Phạm Quốc Hưng (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng cách giải quyết này đã vô tình khuyến khích người dân thiếu trung thực. Thay vì tìm mọi cách bảo vệ quyền lợi hợp pháp bị xâm phạm của công dân, cơ quan công quyền lại “ép” người dân khai báo gian dối để dễ giải quyết. Đây là điều không thể chấp nhận được trong một nhà nước pháp quyền. Do giấy đỏ là vật thuộc quyền sở hữu của một người nên cần được bảo vệ. Việc chiếm giữ giấy đỏ của người khác là hành vi vi phạm pháp luật. Nếu từ chối thụ lý vụ án thì các tòa đã không làm tốt chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Theo luật sư Hưng, nếu việc chiếm giữ xuất phát từ một giao dịch hợp pháp nhưng gặp trục trặc do các bên đổ lỗi cho nhau (ví dụ: thế chấp vay nợ, một bên nói đã trả hết tiền vay, một bên nói chưa trả hết tiền vay nên kiên quyết giữ giấy đỏ), tòa án cần thụ lý vụ án dân sự để giải quyết tranh chấp đòi giấy đỏ. Người phải thi hành án về việc trả giấy đỏ mà không chấp hành án có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án theo Điều 304 Bộ luật Hình sự.

Nếu việc chiếm giữ giấy đỏ xuất phát từ hành vi bất hợp pháp, cơ quan công an có quyền yêu cầu người chiếm giữ chấm dứt ngay hành vi vi phạm, trả lại giấy đỏ cho chủ đất. Nếu không, người chiếm giữ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội xâm phạm quyền sở hữu.

HOÀNG LAM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm