Không trung thực, thầy còn mặt mũi nào dạy trò!

Không trung thực, thầy còn mặt mũi nào dạy trò! ảnh 1
GS Phạm Minh Hạc,Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam:

Phải tước bỏ học hàm của người vi phạm

Khi còn giữ cương vị chủ tịch Hội đồng chức danh GS nhà nước (2001-2006), tôi đã xử lý khoảng năm vụ “luộc” sách. Ở một trường du lịch tại Hà Nội, một PGS đã điền tên mình vào cuốn sách dịch từ nước ngoài. Sau khi xem xét bản thảo gốc, chúng tôi đã quyết định tước học hàm của người vi phạm. Rồi có một ứng viên chức danh PGS, sau khi phát hiện vị này đã lấy một đoạn văn của một nghiên cứu sinh, chúng tôi đã quyết định không phong chức danh PGS cho vị này Ở Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa), một PGS cũng bị tước học hàm với lỗi “luộc” tương tự.

Hiện nay, Hội đồng chức danh GS nhà nước do Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân làm chủ tịch, là đơn vị duy nhất được phong tặng chức danh GS, PGS và cũng chính hội đồng này được quyền tước bỏ chức danh của những người không xứng đáng. Căn cứ xử lý việc này chính là Thông tư 16 ngày 17-7-2009 của Bộ GD&ĐT.

Về các cách xử lý khác có liên quan, những tác phẩm vi phạm sẽ phải thu hồi. Nhưng nếu đó là giáo trình đang được đưa vào giảng dạy thì phải công khai lại tên tác giả. Còn với người đã “đạo văn” thì phải công khai trên báo chí việc làm của mình, đồng thời có lời xin lỗi tác giả và bạn đọc.

Không trung thực, thầy còn mặt mũi nào dạy trò! ảnh 2

Người làm công tác nghiên cứu khoa học phải trung thực với bản thân và công trình nghiên cứu của mình. Ảnh minh họa: HTD

Theo tôi, trong quá trình đào tạo đội ngũ nhà giáo kế cận, các trường, học viện phải đưa nội dung giáo dục đạo đức, trung thực vào các môn học. Đối với các nhà giáo, trong đó có những người đang phấn đấu trở thành GS, TS cũng phải tiếp tục rèn luyện tính trung thực. Các cấp cần siết chặt hơn nữa quy trình xét tuyển chức danh.

GS-TS Hồ Đức Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế phát triển, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM:

Phải trung thực với bản thân

Có vẻ như hiện tượng “ăn cắp” sách, giáo trình đang trở nên phổ biến và các cơ quan chức năng vẫn chưa có giải pháp ngăn chặn hữu hiệu. Từ cảnh báo của báo Pháp Luật TP.HCM,đề nghị các trường ĐH, CĐ cần phải nghiêm túc hơn trong công tác quản lý cán bộ giảng dạy, nghiên cứu khoa học trực thuộc. Mặt khác, người làm công tác nghiên cứu khoa học buộc phải có cái tâm, phải trung thực với bản thân và công trình nghiên cứu của mình.

Không trung thực, thầy còn mặt mũi nào dạy trò! ảnh 3
PGS-TSMai Hồng Quỳ,Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM:

Chống nạn “luộc” sách ngay trong sinh viên

Tôi cho rằng vấn nạn “luộc” sách, kiến thức đang làm thui chột sự sáng tạo trong giới nghiên cứu khoa học. Thật bất công khi người nghiên cứu đổ ra bao công sức viết sách để rồi sách bị biến thành của người khác. Ngay cả những chương trình đào tạo ĐH cũng bị “luộc” một cách trắng trợn. Khi trường chúng tôi công khai đưa đề cương chi tiết giáo trình lên mạng thì cán bộ giảng viên ở nhiều nơi rất lo ngại vì họ đang sử dụng nhiều sản phẩm của… người khác!

Muốn chống nạn “luộc” sách thì cũng phải lưu ý đến đối tượng sinh viên. Dư luận, báo chí không nên lấy cái nghèo để biện hộ cho sinh viên với hành động photo sách vi phạm trắng trợn bản quyền sách. Nếu lúc ngồi ghế giảng đường đã “luộc” sách, không có ý thức tôn trọng bản quyền thì khi học lên cao hơn như thạc sĩ tiến sĩ, làm sao tránh khỏi chuyện tiếp tục “luộc”.

Hiện chúng tôi đang khuyến khích người viết sách, giáo trình, bài tập giảng dạy phải trình bày các quan điểm khoa học khác, tức tiếp thu vấn đề gì của những tác giả nào thì phải nói rõ ràng, sau đó mới đưa ra quan điểm của người viết. Như vậy, việc soạn sách, giáo trình sẽ rõ ràng, khoa học hơn.

Không trung thực, thầy còn mặt mũi nào dạy trò! ảnh 4
Thạc sĩNguyễn Khắc Quốc Bảo,khoa Tài chính doanh nghiệp Trường ĐH Kinh tế TP.HCM:

Cần có niềm say mê khoa học

Bấy lâu nay tôi đã rất bức xúc về hiện tượng đạo văn, ăn cắp bản quyền học thuật trong giảng đường ĐH. Chỉ cần bỏ ra một khoản tiền nhỏ là mọi người có thể có được vài đĩa CD chứa hàng trăm chuyên đề tốt nghiệp của các ngành, các lĩnh vực của các sinh viên khóa trước. Hoặc chỉ cần mất vài giờ trên Internet cùng với công nghệ cắt, dán là các sinh viên có thể làm xong một tiểu luận môn học, thậm chí là một chuyên đề tốt nghiệp.

Để không vô tình tiếp tay cho cái xấu thì khi duyệt đề cương, sửa bài và chấm bài của sinh viên, giảng viên hướng dẫn phải hết sức tận tâm và thận trọng, vừa hướng cho các em con đường nghiên cứu chính thống, vừa kiểm soát tính trung thực của đề tài.

Về phía giảng viên, đặc biệt là các giảng viên trẻ, phải dày công nghiên cứu, thường xuyên cập nhật kiến thức. Một khi đã tạo ra được niềm say mê khoa học thì họ sẽ tự xem việc ăn cắp bản quyền là điều cấm kỵ vì hơn ai hết chính họ là người không muốn thành quả nghiên cứu của mình cũng bị đánh cắp.

Bản thân người thầy phải trung thực thì mới có thể dạy sinh viên mình trở thành người trung thực. Tôi không thể nào đánh rớt một sinh viên đạo văn trong khi tôi cũng đi đạo công trình khoa học của người khác cho giáo trình của mình. Rồi giảng viên đó khi được phân công đi gác thi có dám đình chỉ một học sinh quay cóp không khi chính mình cũng đã quay cóp công trình của người khác?

Không trung thực, thầy còn mặt mũi nào dạy trò! ảnh 5
Không trung thực, thầy còn mặt mũi nào dạy trò! ảnh 6

TỐ NHƯ - TRƯƠNG HIỆU - KHÁNH LY ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm