Không thể đánh đồng biên nhận với hợp đồng vay nợ

Mới đây, TAND tỉnh Đồng Tháp đã hủy toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND thị xã Hồng Ngự và quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với vụ ông Nguyễn Văn Sanh kiện đòi tiền ông Nguyễn Văn Vụ do đã hết thời hiệu khởi kiện. Tuy đã đình chỉ nhưng vụ kiện gợi lên một kinh nghiệm pháp lý rất đáng lưu tâm trong quan hệ giao dịch dân sự hằng ngày.

PGS-TSĐỖ VĂN ĐẠI, Trưởng khoa Luật dân sự, Trường ĐH Luật TP.HCM:

Người nhận tiền phải tự bảo vệ mình

Theo thông tin tôi biết thì đây không phải là cá biệt mà đã có nhiều trường hợp tương tự như vụ ánPháp Luật TP.HCMphản ánh.Tức là biên nhận tiền bị biến thành hợp đồng vay nợ. Rõ ràng tòa sơ thẩm sai khi nhận định chữ ký là của bị đơn cộng với việc bị đơn “không chứng minh được việc ký nhận tiền không phải là việc ký mượn tiền” để công nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Trong nguyên tắc pháp luật dân sự, không ai lại yêu cầu nghĩa vụ chứng minh là của bị đơn. Tòa phải giải quyết vụ án trên cơ sở chứng cứ do nguyên đơn cung cấp, không chứng minh được yêu cầu khởi kiện thì cứ bác đơn theo luật.

Cho nên kinh nghiệm rút ra ở đây là khi ký nhận vào bất cứ tờ biên nhận nhận tiền nào, người ký cũng phải viết rõ mục đích nhận, bối cảnh, hoàn cảnh nhận. Nếu bên viết giấy không chịu viết thì bên nhận tiền có quyền từ chối ký biên nhận vì lý do không thể hiện hết ý chí của các bên. Chẳng hạn lý do: Nhận lại tiền đã cho vay, nhận tiền vay, nhận tiền được tặng cho hay nhận tiền bán tài sản… thì mới tránh được rủi ro. Làm sao để bản thân các tờ biên nhận tiền phải nói được vai trò của nó là ai lập, ai nhận tiền, nhận tiền với mục đích gì, có điều kiện gì kèm theo không? Thực tế khi phải “dính” vào vụ kiện dân sự thì đánh giá của mỗi tòa án là rất khác nhau, mỗi lập luận giải thích của tòa có thể được hiểu theo quy định pháp luật nào đó chưa cụ thể hoặc còn thiếu sót. Có khi thẩm phán hiểu bản chất vụ việc nhưng vì lý do nào đó họ vẫn có thể lập luận có lợi cho bên nguyên đơn. Nói cách khác, người ký nhận tiền phải biết tự bảo vệ mình vì họ rất dễ trở thành bị đơn của một vụ kiện khi bên kia phát sinh mâu thuẫn.

Không thể đánh đồng biên nhận với hợp đồng vay nợ ảnh 1

Khi ký nhận vào bất cứ tờ biên nhận nhận tiền nào, người ký cũng phải viết rõ mục đích nhận, bối cảnh, hoàn cảnh nhậnđể tránh rũi ro về sau. Ảnh minh họa:HTD.

Luật sưNGUYỄN THỊ MỸ PHƯỢNG, Đoàn Luật sư TP.HCM:

Thỏa thuận càng rõ ràng càng tránh được rủi ro

Theo tôi, mặc dù BLDS 2005 không quy định các bên vay mượn phải lập hợp đồng vay theo một hình thức bao gồm những điều khoản bắt buộc nhất định nào đó nhưng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì các bên phải thỏa thuận rõ những vấn đề trong một hợp đồng vay như thời hạn, mục đích, lãi suất… Như vậy, khi có tranh chấp xảy ra thì tòa sẽ dựa vào những thỏa thuận cơ bản đó của các bên đương sự và quy định cụ thể của pháp luật để xử lý.

Trong trường hợp mà Pháp Luật TP.HCMphản ánh thì các bên không lập hợp đồng vay mà chỉ ghi nhận bằng một biên nhận tiền. Cụ thể: Chữ viết trong biên nhận là do nguyên đơn viết và bị đơn chỉ ký vào. Nếu bị đơn không thừa nhận có vay nợ hoặc không có những chứng cứ khác thì rất khó xác định đây có phải là một hợp đồng vay hay không. Chứng cứ khác có thể là sự thừa nhận của bị đơn hoặc giấy ghi nhận có việc trả lãi hoặc đến hẹn nhưng không trả được tiền gốc và viết giấy khất nợ thì mới đủ cơ sở để xem xét.

Ngoài ra, khi xảy ra tranh chấp, bên khởi kiện phải có trách nhiệm chứng minh cho tòa rằng yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp để tòa có cơ sở chấp nhận yêu cầu. Bên bị kiện cũng phải chứng minh những gì mình phản bác đối với bên khởi kiện là có căn cứ.

Tóm lại, sự thỏa thuận và ghi nhận thỏa thuận của các bên càng rõ ràng, chi tiết thì càng tránh được những rủi ro pháp lý trong những giao dịch dân sự và còn là cơ sở quan trọng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi tranh chấp xảy ra.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm