Không lẽ chịu thua đàn heo!

Bởi hơn sáu năm nay, những người sống ở khu đường Phạm Văn Đồng, phường 13, quận Bình Thạnh, TP.HCM ngày ngày phải gánh chịu hậu quả của đàn heo ấy gây ra.

Cứ thử tưởng tượng cảnh mỗi sáng thức dậy mở cửa ra lại hứng chịu mùi hôi thối nồng nặc từ phân heo bốc lên thì còn tâm trạng nào mà đón chào ngày mới. Chưa kể hằng ngày họ phải nơm nớp lo sợ nhà cửa, cây cối nhà mình bị phá phách, chịu đựng xác heo chết trôi; người đi đường đang chạy xe phải thắng gấp vì bỗng dưng heo xuất hiện trước mặt… Đây quả là một nỗi ám ảnh kinh hoàng!

Điều 69 Luật Bảo vệ môi trường quy định khu chăn nuôi tập trung phải có phương án bảo vệ môi trường và đáp ứng yêu cầu sau: Đảm bảo vệ sinh môi trường đối với khu dân cư; thu gom, xử lý nước thải, chất thải rắn theo quy định về quản lý chất thải; chuồng, trại phải được vệ sinh định kỳ; đảm bảo phòng ngừa, ứng phó dịch bệnh; xác vật nuôi bị chết do dịch bệnh phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại và vệ sinh phòng bệnh.

Trước đây, đàn heo thường qua lại giữa hai địa bàn phường 11 và phường 13, quận Bình Thạnh. Cách xử lý của phường 11 là yêu cầu chủ nuôi rào chắn lại để đàn heo không qua địa bàn của mình.

Còn UBND phường 13 (quận Bình Thạnh), từ năm 2015 đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ đàn heo về hành vi nuôi gia súc gây mất vệ sinh chung ở khu dân cư nhưng hộ này không chấp hành. Hiện tại, khi báo chí phản ánh thì phường đã có văn bản gửi cho UBND quận về việc hỗ trợ chủ đàn heo, đồng thời phường sẽ tiếp tục mời đương sự đến để giải quyết.

Chúng tôi cho rằng cách giải quyết của lãnh đạo các phường như vậy là thiếu dứt khoát, thờ ơ với sức khỏe của người dân. Lẽ ra cả hai phường phải ngồi lại bàn phương án để giải quyết dứt điểm đàn heo. Lẽ ra sau khi bị xử phạt hành chính mà chủ chăn nuôi không chấp hành thì chính quyền phải cương quyết cưỡng chế chủ hộ thi hành quyết định xử phạt hành chính theo Nghị định 166/2013.

Đối tượng áp dụng của nghị định này là cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính đã quá thời hạn chấp hành hoặc quá thời hạn hoãn chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã quá thời hạn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra mà không tự nguyện chấp hành.

Luật đã có và việc xử lý chỉ nằm trong tầm tay chính quyền địa phương. Người dân có quyền được sống trong một không gian an toàn, trong bầu không khí trong lành. Họ đang chờ động thái tiếp theo của lãnh đạo các cấp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm