Không chấp nhận ưu ái cho xe ‘quan’

Sau bài viết đăng trên báo Pháp Luật TP.HCM ngày 5-3 liên quan nội dung “CSGT được phép cho cán bộ cao cấp đi nhanh nếu xe chở họ gây tai nạn giao thông (TNGT)”, nhiều chuyên gia pháp lý phản bác Điều 22 dự thảo thông tư về quy trình điều tra, giải quyết TNGT đường bộ vừa được Bộ Công an đưa ra lấy ý kiến.

Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin đăng tải những ý kiến phân tích này.

Luật sư Phạm Công Út, Đoàn Luật sư TP.HCM:

Thông tư phải hướng tới sự bình đẳng

Trong dự thảo có nội dung cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước khi tham gia giao thông mà liên quan tai nạn thì được đặc cách cho đi nhanh. Quan điểm này chưa hướng tới sự công bằng xã hội. Điều 16 Hiến pháp 2013 đã quy định: Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Vì vậy, thông tư tạo sự phân biệt đối xử như trên sẽ gây dư luận xấu trong xã hội. Một trong những phận sự quan trọng của cán bộ là làm công bộc của dân.

Trước đây Quyết định số 18/2007/QĐ-BCA ban hành quy trình điều tra giải quyết TNGT đường bộ có dành một điều quy định về “TNGT liên quan đến cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước”. Ngoài ra, Điều 24 của Thông tư số 06/2013/TT-BCA cũng quy định “trường hợp vụ TNGT liên quan đến cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước”, trong đó có các nội dung về “giải quyết cho đi” tương tự dự thảo. Có điều đa số người dân chưa biết về quy định này. Dự thảo thông tư lần này khi được đưa ra lấy ý kiến thì được người dân giám sát, vì vậy cần phải ra những quy định hợp với lòng dân.

Tai nạn xảy ra đối với những người dân bình thường cũng cần được xử lý nhanh chóng. Ảnh minh họa: HTD

Luật sư Trương Xuân Tám, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu:

Bộ trưởng, chủ tịch huyện đều là cán bộ cao cấp?

Dự thảo thông tư này cần rõ quy định “cán bộ cao cấp” cỡ nào, đang thi hành công vụ hay không rồi mới được áp dụng cơ chế ưu tiên. Bộ trưởng trở lên, hay viện trưởng viện kiểm sát huyện, chánh án tòa án huyện, chủ tịch huyện… chẳng lẽ ai xuống xe cũng được gọi là cán bộ cao cấp? Nếu là đại biểu Quốc hội thì đã có quy chế riêng, cán bộ cao cấp cỡ nguyên thủ, cấp bộ trưởng thì đã có xe dẫn đoàn. Lại nữa, người tự lái hay người ngồi trên xe là cán bộ cao cấp?

Hơn nữa, Luật Giao thông đường bộ có quy định về xe ưu tiên rất rõ: Xe cứu hỏa, xe cứu thương, xe dẫn đoàn cán bộ cao cấp… Trừ xe đám tang, các loại xe khác phải có còi thì mới được gọi là ưu tiên nhưng khi xảy ra tai nạn thì vẫn phải làm theo quy trình bình thường. Nên chăng sửa đổi dự thảo theo hướng những loại xe ưu tiên đã được quy định khi lưu thông nếu xảy ra tai nạn thì được giải quyết đi ngay. còn những trường hợp khác đều phải làm đúng thủ tục để tạo sự bình đẳng cho mọi người.

TS Phạm Sanh:

Dân gặp tình huống khẩn cũng phải được ưu tiên

Nhiều nước trên thế giới không quy định “ưu ái cán bộ cao cấp”. Tuy nhiên, họ có các quy định, quy chế bảo vệ yếu nhân như có đoàn xe riêng, có xe hộ tống, dẫn đường và với các trường hợp này khả năng xảy ra TNGT là rất khó. Nước ta cũng thực hiện tương tự, nên quy định như dự thảo là không cần thiết.

Ngoài ra, cán bộ gây tai nạn thì vẫn phải bị xử lý như những người bình thường. Có chăng khi họ đang thi hành công vụ (tất nhiên phải có giấy tờ chứng minh) thì CSGT cần rút ngắn quy trình xử lý để họ tiếp tục thực hiện công vụ. Dù vậy, tôi cho rằng cũng không nên luật hóa nó, bởi tai nạn xảy ra đối với những người dân bình thường cũng cần được xử lý nhanh chóng. Vì vậy, tôi không ủng hộ việc ban hành các quy định “rút gọn”, thay vào đó là đặt ra các yêu cầu đảm bảo các CSGT nâng cao nghiệp vụ, xử lý nhanh chóng vụ việc.

Trong trường hợp nhất định phải giữ “quy định ưu tiên” thì cả người dân bình thường khi rơi vào một số tình huống cấp bách, khẩn cấp cũng cần được hưởng ưu tiên này.

Luật sư Hà Hải, Đoàn Luật sư TP.HCM:

Chưa hẳn dùng xe công là đang làm việc công

Theo Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg thì đối tượng được cấp xe công rất nhiều, có rất nhiều trường hợp được sử dụng xe công trong thời gian công tác và ngay cả sử dụng xe công khi làm việc cá nhân. Điều 22 của dự thảo quy định chỉ cần đó là “phương tiện giao thông của cán bộ cao cấp” và “vẫn hoạt động được” thì sẽ được làm một vài thủ tục “rút gọn”, không xét đến cán bộ cao cấp đó đang sử dụng xe công với mục đích gì là hết sức tùy tiện.

Dự thảo có dấu hiệu xâm hại nguyên tắc “không bị phân biệt đối xử” tại Điều 16 Hiến pháp 2013. Vẫn biết do tính chất quan trọng, cấp bách của công việc, có liên quan đến tình hình an ninh chính trị quốc gia, trật tự an toàn xã hội,... của một số vị cán bộ cao cấp, nên việc đưa ra một quy định linh hoạt như Điều 22 của dự thảo là cần thiết.

Tuy nhiên, phải xây dựng lại điều luật này một cách rõ ràng và chặt chẽ để dễ áp dụng vào thực tế cuộc sống. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

(PLO)- Chủ nuôi chó, mèo phải đáp ứng điều kiện nuôi để chính quyền dễ quản lý, giảm tình trạng một nhà nuôi số lượng lớn làm ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh.