Khi teen “chém gió tung trời” thành tích bất hảo

Tôi gặp lại người anh họ tên Nguyễn Khắc K (1992, Hưng Yên) khi K từ Đà Nẵng ra Hà Nội. Đi làm cả năm trời nhưng khi vừa gặp lại, sau những màn chào hỏi khách sáo, K đi thẳng vào chủ đề: “Mày còn tiền không cho anh vay tạm mấy trăm?” Nghe câu hỏi ấy, tôi cũng giật nảy cả người: “Anh đi làm bấy lâu, tiền thì thiếu gì?”

“Tiền thì không thiếu nhưng tiêu hết ở trong đó rồi, giờ anh ra ngoài này tìm việc. Mày có bao nhiêu thì cứ đưa tạm cho anh. Lúc nào có anh trả ngay”, K nhanh nhảu đáp lại.

Liền sau câu nói ấy, K liên tiếp kể về những thành tích “tung trời” của mình suốt quãng thời gian làm việc tại Đà Nẵng từ việc thử thuốc lắc, thử chơi pin cho đến những thú vui nhẹ nhàng hơn: đánh bạc, lên “sàn”…

“Ở trong đó, bọn thanh niên lạ lắm, nó không chú ý ăn mặc sao cho đẹp nhưng hễ đi đâu là phải rút ra cả cục tiền. Anh mày vào đó, mặc đồ đẹp lại còn bị chê là “hai lúa” đấy!”, K vừa nói vừa cười giòn tan.

Thế rồi khi được hỏi về những thú ăn chơi mà ông anh này đã từng thử, K không ngần ngại: “Thuốc lắc mới dùng thì chỉ nên dùng nửa viên là cũng đủ “phê” lắm rồi. Còn pin (cỏ tài mà) nó như sợi thuốc lào ý, cái này anh mới dùng thử, thấy cũng “ảo” lắm!”

Câu chuyện cứ thứ kéo dài, K mải mê kể những “chiến tích” của mình không quên những cái vênh mặt và nụ cười ngạo nghễ. Nếu bình thường, người ta coi đấy là những thứ chẳng tốt đẹp gì và cần phải giấu giếm thì K lại muốn “phô” ra để khoe thành tích của một dân chơi thứ thiệt.

Sành điệu ở đâu không thấy nhưng trong suốt một năm đi làm xa (công việc là dán điện thoại), K chỉ gửi cho mẹ ở quê duy nhất 5 triệu đồng. Thấy con ngoan ngoãn làm ăn, bố K vui vẻ gửi vào cho con chiếc xe máy gần hai chục triệu đồng nhưng sau đó chính bố K lại là người phải gửi tiền vào để con chuộc xe máy rồi nhờ người quen gửi gấp về quê.

Mới 16 tuổi, chưa tốt nghiệp Trung học cơ sở, mới từ quê ra Hà Nội được ngót nghét 2 năm nhưng Nguyễn Tất X (Hải Dương) cũng luôn cố tỏ ra mình là dân sành điệu. X làm nhân viên phục vụ cho một quán bia trên đường Nguyễn Khánh Toàn (quận Cầu Giấy, Hà Nội) nhưng luôn diện trên mình những bộ quần áo hợp mốt, đậm chất dân chơi thông qua những chi tiết loang lổ, xẻ ngang xẻ dọc đầy táo bạo. Đầu tóc X luôn trong trạng thái dựng đứng và có nhiều thứ màu hỗn tạp.

Để chứng tỏ cho đẳng cấp của mình, X không quên kể hết cho mọi người những thành tích “giang hồ” hơn một năm về trước – khi đó X cùng mấy người bạn ở quê thuê trọ gần khu vực cầu Long Biên.

“Cả nhóm tao khi ấy có 4 thằng, thằng nào cũng lười nên không thèm đi tìm việc. Thế là cả bọn hò nhau đi chặn đường bọn học sinh cấp 2 để lấy điện thoại. Bọn ấy nhà thì giàu mà toàn dùng Quy (Q Mobile) nên cũng chẳng bán được bao nhiêu. Về sau cả bọn quyết định đi rình xem có ai sơ hở là dắt trộm xe máy. Kế hoạch là vậy nhưng chưa kịp thực hiện thì bị gọi về quê, rồi mỗi đứa một nơi”.

Giọng của X vẫn chưa hết trẻ con nhưng luôn cố tỏ ra đanh thép. Dẫu biết tôi lớn tuổi hơn nhưng X vẫn chỉ xưng tao – mày để tạo cảm giác bằng vai phải lứa.

Không có những lần chơi thuốc, đi bar, trấn lột… “chiến tích” khiến H (1994, Thái Bình) tự hào là những lần đi đánh nhau và tán gái: “Trông em thế này thôi nhưng tán gái hơi bị “siêu” đấy. Trong hội bạn của em ở quê thì em là đứa từng có nhiều bạn gái nhất và cũng bị nhiều đứa con gái theo đuổi nhất. Em không tán thì thôi chứ tán em nào là em ấy gục ngay”, vừa nói cu cậu vừa vung tay lên chém thật mạnh vào không trung.

Khi được hỏi về hội bạn đồng trang lứa của H ở quê, H nói nhỏ: “Bạn em hầu hết là nghỉ học rồi, mỗi đứa đi một nơi nhưng hễ có cơ hội là tụ họp. Riêng cái khoản tụ họp rồi đánh đấm thì đố ai hơn được chúng nó. Thằng nào trong làng mà vênh vênh là chết với bọn em ngay”.

Khi nghe hàng loạt những câu chuyện của H, tôi cũng chỉ dám tin phần nào, cái thành tích đánh đấm của H tôi đã từng nghe nhiều người (trong đó có bố H nói qua) còn cái vụ tán gái kia thì tôi không biết có nên tin không nữa.

Chỉ có điều, tôi nhận ra: cả K, X và H đều chỉ là những dân chơi nửa mùa. Gia đình họ đều làm nông, không giàu có, thậm chí có người còn nghèo khó. Tuy nhiên, bệnh của họ là bệnh “thành tích”, là chứng khoe khoang khó chữa, là tật đua đòi chạy theo mốt, theo phong trào.

Đó là lý do tại sao cho đến giờ này, sau những tháng làm việc vất vả, túi tiền của K vẫn sạch trơn, X thì lông bông còn H thì vẫn chưa tìm được cô gái nào thực sự có cảm tình với mình.

Những người có tuổi khi nghe một vài câu chuyện khoe “chiến tích” ấy chắc chắn sẽ không khỏi thất vọng về lối sống buông thả của một bộ phận giới trẻ. Chưa ai biết mọi chuyện rồi sẽ kết thúc ra sao nhưng có lẽ với lối sống và suy nghĩ như thế, chặng đường đời của những chàng trai trẻ này sẽ không bằng phẳng!

Theo Dân trí/ KGT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm