Khi người đi bộ bị tai nạn: Tài xế phải chịu trách nhiệm hoàn toàn?

Có thể hiểu rằng theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, trong bất kỳ tình huống nào, nếu đâm phải người đi bộ trong lúc người ấy đang đi trên vạch trắng dành cho mình thì lỗi hoàn toàn thuộc về các tài xế? Vụ án sau đây cho thấy băn khoăn trên hoàn toàn có cơ sở.

Tai nạn đáng tiếc

Khoảng 7 giờ ngày 9-3-2008, T. (Tân Phú, TP.HCM) lái chiếc ôtô chạy trên đường Ba Tháng Hai (quận 10, TP.HCM). Khi T. cho xe rẽ trái thì đầu hông trái phía trước xe ôtô đụng vào hai phụ nữ khiến họ té ngã. Lúc đó, họ đang dắt tay nhau băng qua đường trên vạch sơn dành cho người đi bộ.

Hai phụ nữ ngã xuống đường và được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Sau đó, do vết thương quá nặng nên một người đã chết. Kết quả giám định pháp y cho biết bà này chết vì chấn thương sọ não. Người còn lại chỉ bị thương nhẹ và sau đó có nộp đơn bãi nại cho T.

Ngày 24-9, TAND quận 10 đã mở phiên tòa hình sự để xét xử T. Theo tòa, T. đã vi phạm Điều 15 Luật Giao thông đường bộ. Theo đó, khi muốn chuyển hướng xe, lái xe phải giảm tốc độ và có tín hiệu báo hướng rẽ. Trong khi chuyển hướng, người lái xe phải nhường quyền đi trước cho người đi bộ, người đi xe đạp đang đi trên phần đường dành riêng cho họ (...), chỉ cho xe chuyển hướng khi quan sát thấy không trở ngại hoặc nguy hiểm cho người và phương tiện khác.

TAND quận 10 đã tuyên xử T. một năm tù về tội vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo khoản 1 Điều 202 Bộ luật Hình sự. Điều khoản này được áp dụng trong trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác.

Người đi bộ không có lỗi?

Khoản 2 Điều 30 Luật giao thông đường bộ quy định: ở nơi không có đèn tín hiệu, không có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ thì “khi qua đường, người đi bộ phải quan sát các xe đang đi tới để qua đường an toàn, nhường đường cho các phương tiện giao thông đang đi trên đường và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn khi qua đường”.

Với quy định này thì có thể cho rằng vào những nơi có đèn tín hiệu, có vạch kẻ đường hoặc có cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ qua đường, người đi bộ được quyền “dung dăng dung dẻ”? Bởi lẽ theo khoản 3 Điều 30 Luật Giao thông đường bộ, khi đi trên những phần đường ấy, người đi bộ chỉ phải “tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn và qua đường đúng các vị trí đó” (không có quy định buộc họ phải quan sát các xe đang đi tới).

Trong đơn bãi nại, người phụ nữ bị thương nhẹ thừa nhận: “Lúc đi trên phần vạch dành cho người đi bộ, hai chúng tôi vừa đi vừa nói chuyện nên không chú ý quan sát...”. Mặc dù vậy, viện lẽ luật không buộc người đi bộ trên vạch kẻ đường phải có nghĩa vụ quan sát, tòa án đã nhận định lỗi hoàn toàn thuộc về T.

Một thẩm phán nhận định: “Nếu Luật Giao thông đường bộ có quy định người đi bộ có nghĩa vụ phải quan sát khi đi trên phần đường dành cho người đi bộ thì trong vụ này, tòa án đã có đủ cơ sở để kết luận người bị hại cũng có lỗi. Trong trường hợp lỗi hỗn hợp (do cả hai bên) thì bị cáo sẽ được hưởng tình tiết giảm nhẹ (theo khoản 5c Nghị quyết số 01 ngày 4-8-2000 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao). Do luật không “nói năng” gì đến nghĩa vụ quan sát nên tòa án không thể xử khác hơn”.

Xem ra thì ở những thành phố lớn có mật độ xe lưu thông dày đặc, quy định người đi bộ đi trên vạch kẻ đường không phải quan sát có vẻ không phù hợp. Tại các ngã tư, ngã năm..., khi đèn dành cho người đi bộ được bật xanh thì đồng thời có rất nhiều xe ở góc đường khác cũng được phép rẽ vào phần đường ấy. Khi rẽ, chắc chắn xe phải cán qua vạch kẻ đường dành cho người đi bộ. Nếu không có những ràng buộc để người đi bộ có thiện chí “hợp tác”, làm sao hạn chế được những tai nạn đáng tiếc?

Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ: “Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm” (khoản 1 Điều 202 Bộ luật Hình sự).

ÁI PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm