Khi nào cảnh sát khu vực được kiểm tra cư trú?

Trao đổi về vấn đề này, một lãnh đạo Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an) cho biết Thông tư 35/2014 của Bộ Công an quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cư trú, việc kiểm tra cư trú.
Theo đó, khoản 1 Điều 26 của thông tư này quy định hình thức kiểm tra cư trú được tiến hành định kỳ, đột xuất, hoặc do yêu cầu phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự.
Đối tượng kiểm tra cư trú là công dân, hộ gia đình, cơ sở cho thuê lưu trú, cơ quan đăng ký, quản lý cư trú các cấp; cơ quan, tổ chức có liên quan đến quản lý cư trú.
Nội dung kiểm tra cư trú bao gồm kiểm tra việc triển khai và tổ chức thực hiện các nội dung đăng ký, quản lý cư trú; quyền và trách nhiệm của công dân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức; các nội dung khác theo pháp luật cư trú.
Cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân, công an xã được giao quản lý cư trú tại địa bàn có quyền kiểm tra trực tiếp hoặc phối hợp kiểm tra việc chấp hành pháp luật về cư trú đối với công dân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức thuộc địa bàn quản lý. Khi kiểm tra được quyền huy động lực lượng quần chúng làm công tác bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức cùng tham gia.
Việc kiểm tra cư trú của công an cấp trên tại địa bàn dân cư phải có cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân, công an xã được giao quản lý cư trú tại địa bàn chứng kiến.
“Như vậy, có thể hiểu cảnh sát khu vực được quyền kiểm tra cư trú bất cứ lúc nào” - vị này nói.
Ngoài ra, theo Nghị định 208/2013, khi tiến hành hoạt động tuần tra, kiểm soát, lực lượng thi hành công vụ phải sử dụng đúng trang phục, phương tiện được trang bị, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; tuân thủ trình tự, thủ tục, kế hoạch, quy trình công tác đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Bên cạnh đó, Thông tư 09/2015 của Bộ Công an quy định điều lệnh cảnh sát khu vực cũng đề ra năm nguyên tắc mang tính định hướng, chỉ đạo quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của lực lượng này. Trong đó, nghiêm cấm việc lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn được giao để sách nhiễu, gây phiền hà, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; tiết lộ bí mật cá nhân, bí mật gia đình của công dân trái quy định của pháp luật.
Trả lời câu hỏi trong tình huống nghi ngờ, người dân có được quyền yêu cầu cảnh sát khu vực cho xem giấy tờ hay không, vị lãnh đạo này cho hay thông thường, khi cảnh sát khu vực đi kiểm tra cư trú thì sẽ đi cùng tổ trưởng dân phố. Hơn thế, cảnh sát khu vực là lực lượng thường xuyên tiếp xúc với người dân nên hầu hết đều biết mặt.
“Nếu có nghi ngờ, người dân có thể yêu cầu vị cảnh sát cho mình xem giấy tờ hoặc liên hệ trực tiếp với đơn vị làm việc của họ. Về lý thuyết, có thể xảy ra tình trạng mạo danh công an vì mục đích xấu” - vị lãnh đạo nhận định.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

(PLO)- Chủ nuôi chó, mèo phải đáp ứng điều kiện nuôi để chính quyền dễ quản lý, giảm tình trạng một nhà nuôi số lượng lớn làm ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh.