Khám BHYT thông tuyến huyện là đúng quy định

Ngay sau đó, bạn đọc Nguyễn Tấn Duy (TP.HCM) đã gửi nhiều thắc mắc đến báo Pháp Luật TP.HCM:

1. Luật BHYT sửa đổi có điều khoản không cho phép mở thông tuyến ra cho các phòng khám đa khoa tư nhân, trạm y tế ở tỉnh lân cận nhưng mở rộng cửa cho các BV huyện, BHXH Việt Nam đã thực hiện sai quy định của luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT.

2. Khoản 15 Điều 1 luật này (sửa đổi bổ sung Điều 22 Luật BHYT) có ghi khoản 4 Điều 22 mới như sau: Từ 1-1-2016, người tham gia BHYT đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc BV tuyến huyện được quyền khám bệnh, chữa bệnh BHYT tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc BV tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh có mức hưởng theo quy định tại khoản 1 điều này”. Như vậy, luật quy định được quyền khám chữa bệnh BHYT tại BV tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh, không hề cho quyền khám chữa bệnh BHYT tại BV tuyến huyện trong toàn quốc! Thông tuyến BV huyện toàn quốc là không đúng.

Ngày 30-3, đại diện Ban Thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam đã có phản hồi:

1. Theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 22 sửa đổi, bổ sung Luật BHYT, khi người có thẻ BHYT tự đi khám chữa bệnh không đúng tuyến quy định được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh từ ngày 1-1-2016 tại BV tuyến huyện. Theo điểm a khoản 1 Điều 3 Nghị định số 87/2011 NĐ-CP ngày 279-2011 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, BV bao gồm BV đa khoa, BV chuyên khoa, BV y học cổ truyền. Vì vậy, phòng khám đa khoa tư nhân không phải BV nên không được thông tuyến khám chữa bệnh từ ngày 1-1-2016.

2. Khoản 4 Điều 22 sửa đổi, bổ sung Luật BHYT quy định thông tuyến khám chữa bệnh tại trạm y tế xã - phòng khám đa khoa - BV tuyến huyện trên cùng địa bàn tỉnh (chỉ áp dụng cho người tham gia BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại các cơ sở khám chữa bệnh này), mức hưởng là 100%; điểm c khoản 3 Điều 22 sửa đổi, bổ sung Luật BHYT quy định thông tuyến huyện đối với trường hợp tự đi khám chữa bệnh không đúng tuyến tại BV huyện (trong đó, người tham gia BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại bất kỳ cơ sở khám chữa bệnh nào cũng được hưởng quyền lợi này). Mặt khác, khoản này đã quy định thông tuyến đối với cơ sở khám chữa bệnh có tên gọi là “BV tuyến huyện”. Điều này có nghĩa tại đâu có BV tuyến huyện thì người dân được quyền khám chữa bệnh và mức hưởng là 100%. Hiện nay trên toàn quốc, hầu như tỉnh nào cũng có BV tuyến huyện. Như vậy, quy định tại khoản 4 và điểm c khoản 3 là hai trường hợp hoàn toàn khác nhau.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm