Khách Tây đã chịu đeo khẩu trang chống dịch COVID-19

Nhiều du khách nước ngoài đã tìm mua khẩu trang và chịu đeo khẩu trang khi đến các địa điểm công cộng nhằm phòng tránh đại dịch.

Khó chịu nhưng phải chịu khó

Những ngày qua, việc các du khách nước ngoài chủ quan không đeo khẩu trang nơi công cộng trong đại dịch COVID-19 đã khiến dư luận khá bức xúc và lo lắng. Tuy nhiên, trước chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng, nơi đông người từ ngày 16-3, nhiều khách nước ngoài đã hưởng ứng một cách khá vui vẻ.

Janine (nữ du khách Đức) vừa đến Việt Nam (VN) được ba tuần cho biết bản thân chị tán đồng với yêu cầu phải mang khẩu trang tại nơi đông người của VN.

Theo Janine, chính phủ VN đưa ra yêu cầu bắt buộc mọi người phải mang khẩu trang khi ra đường là một giải pháp kịp thời để phòng, chống đại dịch. Do đó, chị chấp nhận việc mang khẩu trang dù việc này có phần khiến chị khó chịu vì chị cảm thấy khó thở.

“Tôi thấy ở mọi nơi, mọi người đều khuyến khích đeo khẩu trang, dùng nước rửa tay thường xuyên. Đây là điều cần thiết để phòng dịch bệnh. Nếu tôi ra đến cửa hàng hay siêu thị mà không đeo khẩu trang sẽ được người bảo vệ nhắc nhở ngay. Tôi nghĩ mình cần tự giác đeo khẩu trang để tốt cho mình và không gây khó cho người khác” - Janine chia sẻ.

Nữ du khách này cũng cho rằng việc mua khẩu trang, các loại nước rửa tay hay nước sát khuẩn ở VN đã dễ dàng hơn trước, thậm chí hơn hẳn ở quê nhà.

“Ở Đức, mọi người ồ ạt mua mọi thứ, từ thức ăn đến khẩu trang hay nước rửa tay, trên kệ hàng của các siêu thị, cửa hàng đều hết sạch hàng hóa. Còn ở VN thì không lo, tôi có thể mua những thứ này ở mọi nơi” - Janine nói.

Đến VN được hơn hai tuần, ông Petei Juosila và vợ (đều mang quốc tịch Anh) cảm thấy rất an tâm với các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh chặt chẽ của VN.

“Tôi thấy yên tâm vì những thông tin về biện pháp phòng, chống có khắp mọi nơi, nhắc nhở mọi người nên đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên. Từ sân bay, vợ chồng tôi được đo thân nhiệt và hướng dẫn các thông tin về dịch bệnh” - ông Petei cho biết.

Theo ông, trước đây nhiều du khách nước ngoài không chấp nhận việc đeo khẩu trang vì họ nghĩ đeo khẩu trang cũng không bảo vệ con người trước virus lây bệnh. Bởi dịch bệnh không chỉ lây truyền qua miệng, mũi mà còn mắt, da và nhiều đường lây nhiễm khác. Giờ đây nhiều du khách đã ý thức hơn về việc đeo khẩu trang sẽ hạn chế con đường lây nhiễm của dịch bệnh.

“Bạn bè tôi đang đi du lịch ở VN đều nhắc nhở nhau hãy mua và đeo khẩu trang khi ra đường. Chúng tôi cũng đã trang bị khẩu trang và cả găng tay khi sang VN” - ông Petei vui vẻ nói.

Khi đến nơi công cộng mua sắm, du khách không quên mang khẩu trang. Ảnh: TRÚC PHƯƠNG

Du khách vui vẻ tuân thủ quy định mang khẩu trang nơi công cộng. Ảnh: TRÚC PHƯƠNG

Nhiều du khách đã làm theo khuyến cáo

Sinh sống và kinh doanh quán ăn trên đường Đề Thám (quận 1, TP.HCM), chị Nguyễn Thị Oanh chia sẻ cảm thấy an tâm hơn khi các du khách nước ngoài đã chấp nhận việc mang khẩu trang.

“Ngày trước khi thấy người nước ngoài không mang khẩu trang ra đường là dân mình sợ và ngại tiếp xúc lắm. Quán ăn của tôi nếu có khách Tây vào mà không mang khẩu trang là tôi phải nhắc ngay, nếu không các khách khác sẽ cảm thấy lo lắng” - chị Oanh kể.

Chị Oanh cho biết khi có yêu cầu bắt buộc mọi người mang khẩu trang ở nơi công cộng, đông người, chị nghĩ chỉ áp dụng được với người dân mình còn người nước ngoài thì chắc họ không chịu. Thế nhưng chị khá bất ngờ và vui mừng khi du khách cũng rất tuân thủ việc mang khẩu trang phòng dịch.

Còn theo chị Trần Thị Anh (ngụ quận 10, TP.HCM), chủ một tiệm thuốc Tây trên đường Thành Thái, từ sau yêu cầu bắt buộc mang khẩu trang thì lượng khách nước ngoài đến tiệm của chị mua khẩu trang y tế đã tăng lên.

“Trước chủ yếu là khách Việt, giờ lượng khách nước ngoài đến mua khẩu trang, nước rửa tay tăng dần lên. Du khách cũng rất chịu khó, nếu không còn khẩu trang y tế, họ cũng chấp nhận mua khẩu trang vải để sử dụng” - chị Anh cho biết.

Không kỳ thị, phân biệt du khách nước ngoài

UBND TP.HCM vừa ban hành văn bản giao Sở Du lịch và UBND các quận, huyện chỉ đạo các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch, cơ sở lưu trú, địa điểm du lịch… phải ứng xử văn minh, không phân biệt với du khách nước ngoài đang lưu trú tại TP.HCM.

Theo đó, Sở Du lịch và UBND quận, huyện có trách nhiệm rà soát tình hình khách du lịch nước ngoài trên địa bàn. Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch, cơ sở lưu trú, điểm du lịch không phân biệt đối xử với khách du lịch.

Mọi hành vi kỳ thị, từ chối phục vụ khách du lịch là người nước ngoài sẽ được chấn chỉnh và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Cũng theo văn bản trên, Sở Du lịch, Sở Y tế có nhiệm vụ hướng dẫn các cơ sở lưu trú, đơn vị kinh doanh du lịch triển khai các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch người nước ngoài, đảm bảo mọi an toàn.

Trước đó, ngày 17-3, Văn phòng Chính phủ cũng phát đi thông báo không được kỳ thị, từ chối phục vụ khách du lịch là người nước ngoài. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Nỗi lo khi xài thẻ tín dụng

Nỗi lo khi xài thẻ tín dụng

(PLO)- Để tránh vướng nợ xấu khi sử dụng thẻ tín dụng, người dùng thẻ phải có kế hoạch chi tiêu thông minh, thanh toán nợ đúng hạn…