Kém văn minh, du khách Việt tự hại mình

Sau khi báo Pháp Luật TP.HCM ngày 1415-4 đăng hai bài viết về thói xấu của du khách Việt, đại diện một số công ty du lịch đã bày tỏ những lo ngại và có những đề xuất xây dựng văn minh du lịch.

Ông HOÀNG ĐỨC HUY, Trưởng phòng Marketing Công ty Du lịch Transviet:

Tật xấu “nổi tiếng” khắp nơi

Không riêng một số nhà hàng Thái Lan có để bảng ghi chữ tiếng Việt “Lấy thừa thức ăn sẽ bị phạt”, một số siêu thị ở Nhật cũng ghi “Chú ý, ở đây có camera an ninh” . Chúng ta có thể thấy xấu hổ và tức giận khi được “quan tâm” như vậy nhưng đó cũng là cách bất đắc dĩ họ phải làm. Thậm chí sự “nổi tiếng” của du khách Việt còn được chế trong các truyện vui.

Trong khi các báo cáo của cơ quan chức năng vẫn đẹp các con số về làng xóm văn minh, gia đình văn hóa thì chuyện chen lấn, vứt rác bừa bãi, ồn ào mất trật tự, quần đùi áo may ô ra đường vẫn là thói quen hằng ngày của không ít người Việt. Khi ra nước ngoài mà vẫn giữ những thói quen này thì thật có vấn đề. Có khi chỉ vì hút thuốc nơi công cộng hay vứt rác bừa bãi mà bị phạt cả triệu đồng.

Trở thành nền kinh tế lớn, du khách Trung Quốc rủng rỉnh tiền để mua sắm, du lịch nước ngoài. Tuy nhiên, Trung Quốc xấu hổ và bị bẽ mặt khi nhiều công dân nước họ có những hành động thiếu văn minh như gây ồn ào, mất trật tự, cãi lộn trên máy bay, khạc nhổ bừa bãi, vẽ bậy lên các di tích… Do đó, quốc gia này đã ban hành điều luật xử phạt nặng những công dân có hành vi như trên, thậm chí là cấm xuất cảnh vĩnh viễn.

So với Trung Quốc, số người Việt Nam du lịch nước ngoài chưa đáng là bao. Tuy nhiên, vẫn cần thiết phải ban hành một bộ quy tắc về những điều nên và không nên khi ở nước ngoài. Đó là những quy tắc ứng xử văn minh lịch sự, những điều luật ở nước bạn mà du khách Việt cần tuân thủ.

Chen lấn, không xếp hàng, lấy thức ăn thừa khi ăn buffet là một thói xấu cần bỏ khi đi du lịch.  Ảnh: HTD

Ông NGUYỄN VĂN MỸ, Ủy viên BCH Hiệp hội Lữ hành Việt Nam

Rất cần quy chế văn hóa

Mấy năm gần đây, Thái Lan đưa Việt Nam vào danh sách các nước nhập cảnh có điều kiện, thậm chí treo bảng tại các cửa khẩu đường bộ từ Campuchia và Lào vào Thái Lan. Nước Nga giờ chỉ cấp visa cho du khách Việt đúng số ngày tour du lịch. Hiện con̉ số quốc gia miễn thị thực cả ngoại giao, công vụ lẫn phổ thông đối với Việt Nam thua cả Lào, Campuchia và Đông Timor. Chỉ 13 nước miễn thị thực cho hộ chiếu phổ thông gồm chín nước ASEAN (trừ Đông Timor); bốn nước còn lại, ít ai nghĩ chuyện đi du lịch tới đó là Ecuador, Dominica, Panama (Trung Mỹ) và Kyrgyzstan (Trung Á). Số liệu này đã phản ảnh uy tín của Việt Nam không bằng người ta.

Tổng cục Du lịch cần biên soạn ngay bộ quy chế văn hóa tối thiểu của người Việt khi ra nước ngoài. Quy chế phải ngắn gọn, đầy đủ, dễ nhớ, xác định trách nhiệm của từng cá nhân và đơn vị tổ chức. Cá nhân có thể bị cấm xuất cảnh có thời hạn đến vĩnh viễn nếu vi phạm nghiêm trọng và cố ý.

Các công ty lữ hành cũng cần thông tin đầy đủ đến khách mua tour quy chế văn hóa, khuyến khích việc ký cam kết của các công ty trong đảm bảo ứng xử có văn minh của khách mình.

Du lịch văn minh - Tự hào mình là người Việt

Đây là chương trình Công ty Du lịch TransViet phát động trong suốt năm 2016. Theo đó công ty tổ chức các hoạt động như phát cẩm nang Những điều cần biết khi du lịch nước ngoài cho du khách tại các ga đi quốc tế tại sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài. Nội dung cẩm nang này khuyến cáo du khách những điều nên và không nên làm khi đi du lịch nước ngoài theo ba nhóm chính: Cư xử văn minh - Tuân thủ pháp luật - Du lịch có hiểu biết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm