Kẻ bạo hành trẻ em đối diện với mức án nào?

Vụ bạo hành xảy ra tại nhóm trẻ độc lập Mẹ Mười tại 251/32 Thái Thị Bôi, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng do bà Đinh Thị Hồng làm chủ khiến dư luận rất phẫn nộ.

Theo đó, sáng 21-5, hai đoạn clip của một người dân sống ở Đà Nẵng được đăng lên mạng xã hội Facebook ghi lại cảnh một phụ nữ đè một bé trai cởi trần xuống nền nhà. Người phụ nữ này liên tục đút muỗng cháo vào miệng đứa trẻ. Bé trai khóc thì bị người phụ nữ tát liên tục vào mặt, lấy khăn bịt miệng.

Công an TP Đà Nẵng lập tức vào cuộc điều tra. Tuy nhiên, từ thời điểm xảy ra vụ bạo hành đến khi đoạn clip được đăng tải và công an vào cuộc cách nhau một thời gian dài, do vậy khi kiểm tra cơ sở này cơ quan chức năng không phát hiện trẻ nào có biểu hiện bị tổn thương về tinh thần và thể xác, kể cả các bé bị bạo hành trong clip.

Thấy trẻ quấy khóc, người phụ nữ này đánh liên tiếp vào người bé.

Nhiều bạn đọc thắc mắc nếu trong quá trình điều tra mà không phát hiện có trẻ bị tổn thương thì người bạo hành có bị xử lý không và hình phạt dành cho kẻ bạo hành trẻ em ra sao?

Giải đáp thắc mắc trên, luật sư Trương Xuân Tám, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, phân tích ở thời điểm kiểm tra không phát hiện trẻ bị tổn thương nhưng những người có hành vi đánh đập các bé trong clip trên vẫn hoàn toàn có thể bị khởi tố về tội hành hạ người khác theo quy định tại Điều 140 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Bé trai bị bạo hành bằng việc xách ngược cổ tại nhóm trẻ gia đình Mẹ Mười. (Ảnh cắt từ clip)

Theo đó, những người trông trẻ tại nhóm trẻ độc lập Mẹ Mười đã có hành vi đánh đập trẻ nhỏ, đây được xác định là hành vi đối xử tàn ác và người bị đối xử tàn ác là các em bé - người lệ thuộc của những người trông trẻ tại đây (quan hệ lệ thuộc giữa người trông trẻ và trẻ nhỏ).

Nếu bị khởi tố về tội hành hạ người khác, những người có hành vi này sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Thậm chí trong trường hợp xác định người phạm tội đã có hành vi đối xử tàn ác với từ hai bé trở lên, người phạm tội có thể bị phạt tù 1-3 năm theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 140 Bộ luật Hình sự năm 2015.

“Người có hành vi hành hung trẻ em, nếu chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cũng đối diện với các hình thức xử phạt vi phạm hành chính. Theo đó, người có hành vi xâm phạm thân thể, gây tổn hại về sức khỏe đối với trẻ em hoặc dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em làm trẻ em tổn thương, đau đớn về thể xác, tinh thần sẽ bị phạt tiền 5-10 triệu đồng theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Nghị định số 144/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em” - luật sư Tám cho biết thêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm