Karaoke tra tấn: Phường, quận nói gì?

Từ ý kiến chia sẻ của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong về chuyện “Người dân đi làm một ngày lao động miệt mài, tối còn bị tra tấn bởi karaoke tự phát là không thể chấp nhận được…”, rất nhiều người dân đồng cảm với ý kiến của chủ tịch UBND TP.

Một số người dân thắc mắc về cách xử lý của các phường, quận về vấn đề này như thế nào.

Gò Vấp: Khó xử lý tiếng ồn ban ngày

Theo Nghị định 167/2013, hành vi gây tiếng động lớn, làm ồn ào tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng. Một văn bản khác cũng điều chỉnh về tiếng ồn là Nghị định 155/2016 cũng nêu rõ phạt từ 1 triệu đến 160 triệu đồng cho hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn bất kể giờ giấc nào.

Trao đổi với chúng tôi liên quan đến vấn đề xử lý tiếng ồn từ loa karaoke, ông Đỗ Anh Khang, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, cho biết: “Hiện nay đã có quy định về chế tài đối với những trường hợp gây ồn nằm ngoài khoảng thời gian từ 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau thì cần phải có thiết bị đo. Tuy nhiên, khi lực lượng xuống đo thì người vi phạm mở nhỏ hoặc tắt luôn thì cũng rất khó xử lý.

Ở một số nơi tập trung đông nhà trọ, thỉnh thoảng cuối tuần thì người dân tự kéo loa lên hát, ảnh hưởng đến người xung quanh. Việc này thì phường và khu phố giám sát, nhắc nhở là chính. Riêng đối với những chủ cơ sở cho thuê địa điểm kinh doanh thì cũng nên làm việc với chủ nhà để hạn chế tình trạng ồn ào”.

Theo ông Khang, việc xử lý tình trạng hát karaoke gây ồn ào chủ yếu là trách nhiệm của phường. Đối với những trường hợp karaoke gây ồn nhỏ lẻ thì phường, khu phố đi nhắc nhở là chính. Riêng với những trường hợp như quán kinh doanh gây ồn ở đường Phạm Văn Đồng, khi phường có báo cáo thì liên ngành của quận sẽ tổ chức kiểm tra và kết hợp xử lý.

Tiếng ồn từ karaoke tự phát là nỗi ám ảnh với nhiều người dân đô thị.
Ảnh: NGUYỆT NHI

Bình Chánh: Nhắc nhở là chính

Ông Lôi Đại Phong, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, cũng cho biết: “Trên thực tế, địa bàn xã đôi lúc có xảy ra tình trạng các gia đình sử dụng loa hát karaoke, ảnh hưởng đến lối xóm nhưng để phạt về tiếng ồn thì rất khó. Thông thường buổi tối từ 22 giờ đêm trở đi mà hát hò ồn ào ảnh hưởng đến người xung quanh thì đã có quy định xử phạt theo Nghị định 167/2013. Riêng đối với những trường hợp hát hò ồn ào ở các khung giờ khác trong ngày thì xã chỉ xuống nhắc nhở là chính. Ngoài ra, đối với trường hợp hát hò gây rối trật tự thì công an xã xuống xử lý trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội”.

Liên quan đến vấn đề về xử phạt tiếng ồn karaoke từ những loa kéo, một lãnh đạo Phòng TN&MT quận Bình Tân cho hay: Đối với quy trình xử lý và xử phạt ô nhiễm tiếng ồn thì thông thường các địa phương chỉ xử lý các cơ sở sản xuất gây ồn. Riêng tiếng ồn từ những loa hát karaoke thì rất khó, bởi muốn xử phạt tiếng ồn thì phải đo độ ồn và nếu vượt mức cho phép thì mới phạt.

“Khi nhận được thông tin cơ sở sản xuất gây ồn thì phòng sẽ cử người xuống kiểm tra. Nếu xác định việc gây ồn đến mức phải xử phạt hành chính thì phòng sẽ mời một đơn vị độc lập tổ chức đo tiếng ồn. Kết quả nếu vượt chuẩn cho phép thì sẽ lập biên bản để xử phạt vi phạm hành chính.

“Trên thực tế, hành vi hát karaoke rất khó xử phạt theo Nghị định 155/2016 vì nó chỉ diễn ra tức thời, không liên tục. Nếu theo Nghị định 155/2016 thì chính quyền phải mời đơn vị có chức năng đến đo nhưng đơn vị này cũng phải có thời gian chuẩn bị, không thể xuống ngay được. Lúc lực lượng đến nơi, có thể hành vi gây ồn đã không còn nữa” - một lãnh đạo Phòng TN&MT quận Bình Tân cho hay.

Bạn đọc hiến kế trị tiếng ồn karaoke

Sau khi báo chí nói chung và báo Pháp Luật TP.HCM nói riêng phản ánh về tình trạng karaoke tự phát lớn tiếng, nhiều bạn đọc bức xúc trước tình trạng bị hàng xóm gây phiền vì hát karaoke gây ồn. Ngoài ra, dù hiện nay luật chưa quy định nhưng một số bạn đọc cũng nêu ý kiến mong các cơ quan nghiên cứu giải pháp tịch thu phương tiện gây ồn ào của người vi phạm.

“Những trường hợp gây ồn ào sau 22 giờ thì phải nâng mức phạt lên 5-10 triệu đồng thì mới mong răn đe được người vi phạm chứ phạt như hiện nay 100.000-300.000 đồng thì chẳng ăn thua. Địa phương nên xử lý mạnh tay mới mong trị được nạn gây ồn từ loa karaoke tự phát” - bạn đọc Hải Hà

“Trước đây dãy nhà trọ của tôi cũng xảy ra tình trạng những người thuê trọ tổ chức tiệc tùng rồi kéo loa về hát ầm ĩ cả khu trọ. Lúc đó, tôi có cho họ hát 1, 2 tiếng để họ giải quyết. Tuy nhiên, việc hát này ảnh hưởng nhiều đến những người thuê phòng khác. Về sau, để tránh việc nhắc nhở nhiều lần mất lòng người thuê phòng nên ngay từ khi khách đến hỏi thuê, tôi đã đưa ra nội quy là không được tổ chức hát hò trong khu vực nhà trọ” - bạn đọc Nguyễn Thị Dung (chủ nhà trọ ở khu vực phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức)

“Những gia đình hát karaoke phải thực hiện cách âm, chống ồn, âm thanh vừa phải để đảm bảo sự nghỉ ngơi của bà con và các cháu học hành. Ai vi phạm thì hàng xóm báo cho phường xuống phạt nặng, tái phạm thì tăng mức phạt và tịch thu thiết bị gây ồn. Việc xử lý phải duy trì thường xuyên và kiên quyết mới mong vấn nạn sướng ta khổ người được dẹp bỏ” - bạn đọc Nguyễn Văn Hậu

Karaoke tự phát: Tiếng ồn càng to, mức phạt càng cao
Karaoke tự phát: Tiếng ồn càng to, mức phạt càng cao
(PLO)- Hát karaoke gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn tùy theo mức độ mà bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền. Nếu vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn càng lớn thì mức phạt càng cao.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm