Karaoke loa khủng: Muốn phạt phải đo mức ồn!

Câu chuyện karaoke loa khủng đang làm khổ người dân, làm khó cơ quan quản lý ở nước ta có thể nói là khá lạ lùng khi đặt trong hệ quy chiếu với nhiều nước trên thế giới. Ít nhất trong các đô thị lớn, việc gây ồn ào thường xuyên bắt buộc phải xử lý được.

Bộ luật chống tiếng ồn của các nước

Một buổi tối nghỉ ngơi, ngày cuối tuần yên tĩnh sẽ bị phá hoại hoàn toàn nếu nhà bên cạnh cãi cọ, đánh nhau, mở loa phát nhạc lớn, ca hát… hay bất kỳ hoạt động nào khác phát ra tiếng ồn chúng ta không muốn nghe.

Hầu hết các quốc gia đều ban hành các bộ luật khác nhau để chống tiếng ồn. Ví dụ, Đài Loan ban hành đến hai đạo luật “Luật kiểm soát tiếng ồn” và “Luật bảo vệ trật tự xã hội” để xử lý những người vô ý thức, gây ồn ào. Trường hợp vi phạm, mức phạt ở mức thông thường khoảng 6.000 NTD (tương đương 4,5 triệu VND).

Ở Anh, mức phạt cao hơn nhiều, khoảng 5.000 bảng (tương đương 150 triệu VND) và sẽ phạt thêm 500 bảng/ngày nếu sau khi bị phạt mà vẫn tiếp tục gây ồn. Các phương tiện gây tiếng ồn có thể bị tịch thu như tivi, máy nghe nhạc, dàn loa...

Ở Nhật Bản, với tính cách điềm đạm, tao nhã vốn có, người dân sẽ bỏ một lá thư nhắc nhở vào hộp thư chủ nhà gây ồn. Nếu vẫn tái diễn, người dân sẽ gọi báo cho cảnh sát đến can thiệp. Trường hợp gây ồn ào có thể bị đem ra phê bình trước tổ dân phố, thậm chí phải dọn nhà khỏi đó nếu bị kiện ra tòa và thua kiện. Tuy nhiên, hình phạt nặng nề nhất mà người gây ồn phải chịu là sự tẩy chay tập thể của toàn bộ cư dân trong khu vực.

Theo luật của nước Pháp, tiếng vật nuôi cũng bị xem là tiếng ồn và chủ nuôi phải bồi thường thiệt hại nếu chó sủa, mèo kêu liên tục, gây ảnh hưởng đến hàng xóm. Mức phạt khoảng 2.000 euro (56 triệu VND).

Nhu cầu ca hát trong gia đình là chính đáng miễn không làm phiền hà hàng xóm xung quanh. Ảnh: HTD

Việt Nam: Phạt theo giờ và theo độ ồn

Liên quan đến việc xử phạt hành vi hát karaoke gây ồn ào ở nước ta, bà Nguyễn Thị Kim Liên, Trưởng phòng Công tác thi hành pháp luật và quản lý xử lý vi phạm hành chính (VPHC), Sở Tư pháp TP.HCM, cho biết luật đã có quy định.

Cụ thể, NĐ 167/2013/NĐ-CP quy định hành vi gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng.

Cạnh đó, NĐ 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực bảo vệ môi trường quy định phạt từ 1 triệu đến 160 triệu đồng cho hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn.

Như vậy, theo quy định của pháp luật, hàng xóm thường xuyên bật nhạc to hát karaoke ầm ĩ vào ban đêm, ảnh hưởng đến yên tĩnh chung tại khu dân cư là hành vi vi phạm pháp luật. Người bị ảnh hưởng có quyền phản ánh sự việc đến UBND hoặc công an nơi cư trú. Các cấp phường, xã đều có thẩm quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền, mức phạt không quá 5 triệu đồng, nếu trên 5 triệu đồng thẩm quyền phạt sẽ chuyển lên cấp huyện, tỉnh.

“Để thực hiện việc xử phạt thì phải dựa theo những thông số đo được từ máy móc, thiết bị chuyên dụng. Các phần mềm trên điện thoại thông minh có thể đo được mức độ của tiếng ồn nhưng kết quả đó chỉ để tham khảo, không làm căn cứ xử phạt được. Các đơn vị cần phối hợp chặt chẽ với nhau để sử dụng máy móc kịp thời” - bà Liên nói.

Cũng theo bà Liên, khu phố có thể đặt quy ước chung về hình thức xử lý đối với hành vi gây ồn ào trong khu vực. Tuy nhiên, hình thức phạt là nhắc nhở, viết kiểm điểm trước khu phố... chứ không thể phạt tiền.

Ông Phan Thanh Phong, Phó Trưởng phòng TN&MT quận Bình Tân, cho biết khi nhận được tin báo từ người dân hoặc địa phương, phòng sẽ cử người xuống kiểm tra. Nếu xác định việc gây ồn đến mức phải xử phạt hành chính thì phòng sẽ mời một đơn vị độc lập tổ chức đo tiếng ồn. Kết quả nếu vượt chuẩn cho phép thì sẽ lập biên bản để xử phạt VPHC. Tuy nhiên, quy trình này chủ yếu áp dụng với những cơ sở sản xuất, kinh doanh.

“Trên thực tế, hành vi hát karaoke rất khó xử phạt theo NĐ 155/2016 vì nó chỉ diễn ra tức thời, không liên tục. Nếu theo nghị định này thì chính quyền phải mời đơn vị có chức năng được Bộ TN&MT cấp phép đến đo nhưng đơn vị này cũng phải có thời gian chuẩn bị, không thể xuống ngay được. Lúc lực lượng đến nơi có thể hành vi gây ồn đã không còn nữa” - ông Phong chia sẻ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm