Hướng dẫn kỹ cách nuôi chó ở đô thị

Vừa qua, Pháp Luật TP.HCM có đề cập đến tình hình thả rông chó mèo, những biện pháp xử lý cũng như những hệ lụy liên quan. Tôi góp thêm một số ý kiến.

Thường ở nông thôn chó được thả rông, có thể phóng uế ở bất cứ nơi đâu vì không gian rộng rãi. Ở đô thị lại hoàn toàn khác vì không gian chật hẹp, mật độ dân cư cao nên việc nuôi chó hay các loài vật khác cũng phải tuân theo những quy tắc khác chứ không thể nuôi theo kiểu thả rông như ở nông thôn.

Tôi cho rằng có một đặc điểm không hay của nhiều người Việt là miễn sao cái xấu, cái dơ không nằm trong nhà của mình là được, miễn sao nhà mình sạch là được, còn không gian công cộng bên ngoài có như thế nào cũng mặc kệ. Do đó việc nuôi chó trong đô thị hiện nay gây ra khá nhiều sự phiền phức cho cộng đồng vì người ta sẵn sàng cho con chó của mình vô tư phóng uế trong không gian công cộng (công viên, hẻm phố, trước nhà người khác…). Vấn đề của việc để vật nuôi phóng uế bừa bãi không chỉ làm mất mỹ quan đô thị mà còn là một yếu tố làm lây truyền bệnh tật cho con người, đặt biệt là trẻ em rất dễ bị nhiễm giun sán từ phân chó, mèo.

Việc nuôi chó thả rông ở đô thị dể gây xích mích hàng xóm và lây truyền bệnh dại. Ảnh: HTD

Ở các nước phát triển, có những quy định rất rõ về việc nuôi chó, mèo trong đô thị như phải tiêm ngừa định kỳ, khi cho vật nuôi ra ngoài (đường phố, công viên) thì phải đeo bao khóa miệng của chúng lại nhằm đề phòng việc cắn người. Nếu vật nuôi phóng uế trong khu vực công cộng thì người chủ hoặc người chăn dắt phải làm vệ sinh sạch sẽ nơi đó, nếu không sẽ bị phạt. Chẳng hạn như đạo luật Dog Fouling Act của Scotland, có hiệu lực từ tháng 10-2003, quy định nếu để chó phóng uế nơi công cộng mà không làm vệ sinh sạch sẽ nơi đó thì chủ nuôi sẽ bị phạt 40 bảng Anh, nếu quá 28 ngày không đóng phạt thì tiền phạt sẽ tăng lên 60 bảng.

Ở nước ta hiện nay dù đã có một số quy định về việc nuôi vật nuôi trong gia đình nhưng gần như mọi ứng xử chỉ trông cậy vào ý thức của mỗi người mà thôi. Tuy nhiên, nếu chỉ trông cậy vào ý thức cá nhân thì sẽ khó có cách ứng xử thích hợp, phù hợp với nếp sống văn minh đô thị. Vì thế tôi cho rằng ngay từ bây giờ, giới quản lý cần phải có những quy định thật cụ thể hơn nữa, chi tiết hơn nữa về việc nuôi vật nuôi trong nhà. Cần phải có những cẩm nang hướng dẫn cách nuôi, cách ứng xử phù hợp và kèm theo đó là những chế tài, nếu chỉ đi bắt chó như hiện nay thì thật khó để giải quyết được vấn đề một cách triệt để và có tính bền vững được.

LÊ MINH TIẾN

Quy định liên quan đến chó mèo thả rông

Ngày 17-7, UBND TP.HCM ra văn bản chỉ đạo bắt hết chó mèo thả rông trước tình hình bệnh dại xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước. UBND TP.HCM chỉ đạo các quận/huyện đẩy mạnh công tác tiêm phòng bắt buộc cho đàn chó mèo, nhất là tại các huyện ngoại thành và khu vực giáp ranh với các tỉnh đảm bảo đạt 80% tổng đàn. Tính đến ngày 29-5, Chi cục Thú y TP.HCM đã tiêm phòng bệnh dại theo tiến độ cho trên 121.000 con chó mèo (đạt tỉ lệ 51,76% tổng đàn).

Nghị định 119/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi quy định: Thả rông chó ở những nơi công cộng, nơi đông dân cư, khu đô thị sẽ bị phạt tiền từ 300.000 đến 500.000 đồng. Không thực hiện việc tiêm phòng vaccine hoặc các biện pháp phòng bệnh bắt buộc khác cho chó bị phạt tiền từ 200.000 đến 300.000 đồng. Nếu chủ chó không đến nhận thì chó sẽ bị tiêu hủy sau 72 giờ.

Ngày 14-11-2012, Bộ NN&PTNT ban hành Quyết định số 2891 về kế hoạch khống chế và loại trừ bệnh dại. Theo quyết định này, tất cả số chó mèo trên toàn quốc sẽ phải đăng ký để quản lý. UBND xã/phường phải lập sổ theo dõi số lượng chó mèo nuôi, số hộ có nuôi chó mèo trên địa bàn. Chi cục thú y phải có sổ theo dõi số lượng chó mèo nuôi, số hộ nuôi chó trên địa bàn tỉnh và huyện. UBND các cấp chỉ đạo thành lập đội chuyên bắt chó mèo thả rông trong khu đô thị, nơi dân cư đông đúc hoặc chó mèo bị nghi mắc bệnh dại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm