Hòa giải thành nhưng tòa không công nhận

Đây là tình huống mà bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh (quận 2, TP.HCM) gặp phải khi tranh chấp hợp đồng đặt cọc mua nền đất với bị đơn là bà D.

Đòi hủy hợp đồng đặt cọc

Bà Ánh trình bày: Tháng 7-2004, bà được Công ty Phát triển và Kinh doanh Nhà TP.HCM hoán đổi một nền nhà 90 m2 trong Khu đô thị mới An Phú - An Khánh, quận 2. Tháng 9-2009, bà ký hợp đồng chuyển nhượng lô đất này cho bà D. với giá hơn 4 tỉ đồng. Bà D. đã đặt cọc 480 triệu đồng.

Tính đến đầu tháng 11-2009, bà D. đã trả cho bà Ánh 1,9 tỉ đồng. Do vậy, bà đồng ý cho bà D. được đứng tên trong phụ lục hợp đồng hoán đổi đất mà trước kia bà đã ký với công ty. Sau đó, bà D. đã xây dựng nhà nhưng không trả nốt số tiền còn lại. Tháng 1-2010, do không thương lượng được nên bà Ánh đã kiện bà D. ra tòa với yêu cầu hủy hợp đồng đặt cọc nêu trên.

Hòa giải thành nhưng tòa không công nhận ảnh 1

Căn nhà đang được phía bị đơn xây dựng dở dang. Ảnh: NQ

Nhập, tách các vụ án

Tại thời điểm bị bà Ánh kiện, bà D. cũng đồng thời bị ba chủ nợ kiện ra tòa để đòi nợ. Ngày 12-3, TAND quận 2 đã ra ba quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời với nội dung là phong tỏa tài sản của bà D., trong đó có nền nhà mà bà Ánh đã chuyển nhượng cho bà D. để đảm bảo việc thi hành án.

Ngày 10-5, xét thấy bà D. là bị đơn trong ba vụ án tranh chấp hợp đồng vay tài sản và cũng là bị đơn trong vụ án tranh chấp hợp đồng đặt cọc với bà Ánh, TAND quận 2 đã nhập bốn vụ án thành một vụ án. Theo đó, nguyên đơn là chủ nợ đã kiện bà D. đầu tiên; bà Ánh và hai chủ nợ còn lại là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Cho rằng bà D. có hộ khẩu thường trú tại quận 10 nên việc tòa quận 2 thụ lý vụ kiện của hai chủ nợ còn lại là không đúng thẩm quyền, bà Ánh đã khiếu nại. Thế nhưng chánh án TAND quận 2 đã bác đơn khiếu nại của bà.

Bà Ánh tiếp tục khiếu nại quyết định giải quyết này đến TAND TP.HCM. Ngày 21-6, TAND TP đã có văn bản chấp thuận khiếu nại của bà. Tòa này yêu cầu TAND quận 2 chuyển hồ sơ hai vụ án tranh chấp hợp đồng vay tài sản đến TAND quận 10 giải quyết và tòa quận 2 đã ra quyết định tách vụ án. Theo đó, tòa quận 2 chỉ còn thụ lý hai vụ án: 1. tranh chấp hợp đồng vay tài sản giữa chủ nợ kiện đầu tiên với bà D.; 2. tranh chấp hợp đồng đặt cọc giữa bà Ánh với bà D. (chủ nợ kiện đầu tiên cũng được tham gia vào vụ này với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan).

Không được công nhận hòa giải thành

Ngày 20-10-2011, bà Ánh và bà D. đã hòa giải thành trong vụ án tranh chấp hợp đồng đặt cọc, riêng chủ nợ của bà D. vắng mặt trong buổi hòa giải. Hai bên đương sự thống nhất do có lỗi nên bà D. bị mất số tiền đặt cọc là 480 triệu đồng. Phía bà Ánh thanh toán lại cho bà D. 3 tỉ đồng (gồm tiền mua đất, hỗ trợ lãi suất, tiền ép cọc, chi phí làm nhà dở dang). Song đến nay TAND quận 2 vẫn chưa ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của hai bên khiến vụ tranh chấp bị kéo dài.

Trao đổi với PV, ông Phạm Thao, Chánh án TAND quận 2, cho biết: “Chúng tôi chưa thể ra quyết định công nhận sự thỏa thuận giữa đôi bên do chủ nợ của bà D. có văn bản phản đối sự thỏa thuận đó. Theo Điều 187 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004, trong một vụ án có nhiều đương sự mà có đương sự vắng mặt trong phiên hòa giải nhưng các đương sự có mặt thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án thì thỏa thuận đó chỉ có giá trị đối với những người có mặt và được thẩm phán ra quyết định công nhận nếu không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt. Trường hợp thỏa thuận của họ có ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt thì thỏa thuận này chỉ có giá trị và được thẩm phán ra quyết định công nhận nếu được đương sự vắng mặt tại phiên hòa giải đồng ý bằng văn bản.

Tới đây, chúng tôi sẽ tiến hành hòa giải ở buổi hòa giải khác nhằm đảm bảo quyền lợi cho các bên tham gia tố tụng. Ngoài ra, tại phiên tòa các đương sự cũng có quyền thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án và nếu thỏa thuận của họ là tự nguyện, không trái pháp luật hoặc đạo đức xã hội thì hội đồng xét xử ra quyết định công nhận sự thỏa thuận này. Như vậy, kể cả khi TAND quận 2 không công nhận thỏa thuận của hai bên khi hòa giải thì tại phiên tòa hai bên cũng có quyền thỏa thuận với nhau”.

NGUYỄN QUỲNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm