Hộ khẩu - Đặc ân và đặc quyền

Có ý kiến từng cho rằng có được hộ khẩu, đặc biệt ở các TP lớn, thì sẽ được coi như “công dân hạng một”. Thậm chí người có hộ khẩu có thể làm khó người không có, chủ hộ có thể “cậy thế” với các thành viên chung hộ khẩu… Cơ chế hộ khẩu đã sinh ra những đặc quyền dù pháp luật lẫn các nhà quản lý không mong muốn điều đó.

Bị chồng cũ “giấu biến” hộ khẩu

Vợ chồng tôi sống với nhau đã hơn 30 năm, đã có với nhau mấy mặt con và cùng nhau gầy dựng cơ ngơi. Tuy nhiên, khi cả hai đã có cháu nội, cháu ngoại thì ông ấy dở chứng ghen tuông, đánh đập thường xuyên, buộc tôi phải ra tòa ly hôn. Sau mấy lần tòa hòa giải nhưng không thành, đơn xin ly hôn của tôi được tòa chấp nhận. Tuy chia tay trên giấy tờ nhưng vì một số lý do, chúng tôi vẫn phải sống chung nhà với nhau.

Những tưởng ly hôn là sẽ yên, không ngờ ông vẫn hay đánh đập tôi, có lần công an phải can thiệp. Trước tình thế này, tôi quyết định dọn ra ngoài sinh sống và nộp đơn tại tòa để đề nghị chia tài sản. Biết tôi có ý định chia tài sản, ông ấy đã lấy hết tất cả giấy tờ tùy thân của tôi gồm CMND, hộ khẩu để làm khó tôi. Dù vậy, tôi cũng kiên quyết nộp đơn ra tòa nhưng cán bộ tòa cho biết tôi phải nộp kèm theo sổ hộ khẩu, CMND, nếu không thì tòa không thể nhận đơn được.

Tôi phải tìm đủ mọi cách để lấy lại giấy tờ nhưng chồng cũ của tôi cương quyết không đưa, tôi phải nhờ cơ quan công an can thiệp. Công an cũng phải mất gần cả năm trời để vận động, lấy lại giấy tờ cho tôi. Trong khoảng thời gian ấy, tôi gặp nhiều khó khăn khi thực hiện các giao dịch bên ngoài. Thậm chí tôi gặp khó khi đi mua bảo hiểm y tế tại UBND phường vì không thể xuất trình hộ khẩu. Mọi giao dịch ngân hàng cũng không xong vì không có hộ khẩu, CMND.

NGUYỄN THỊ KIM HỮU (thị xã Thuận An, Bình Dương)

Người dân đang làm thủ tục nhập hộ khẩu tại TP.HCM. Ảnh: HTD

Ỷ “thế” chủ hộ nên dở chứng

Giấy tờ tùy thân tuy không phải là một tài sản có giá trị nhưng nếu thiếu sẽ rất khốn khổ bởi gần như khó làm được các thủ tục hành chính. Gia đình tôi trước đây đã rơi vào tình huống dở khóc dở cười cũng vì sổ hộ khẩu. Do chưa có nhà để nhập hộ khẩu nên tôi có nhờ người em bảo lãnh vào địa chỉ nhà của nó. Tuy nhiên, sau đó tôi và em tôi xảy ra xích mích. Nhiều lần tôi mượn hộ khẩu để làm lại giấy CMND đã hết hạn nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu, con trai lớn của tôi đã đến tuổi làm giấy CMND cũng đành bó tay. Khi vợ tôi sinh con nhỏ, vì hộ khẩu của cô ấy ở quê nên tôi muốn nhập hộ khẩu cho con theo cha để tiện chuyện học hành sau này thì cũng bị người em gây khó. Hộ khẩu là để quản lý nơi cư trú của công dân sao nó lại ràng buộc nhiều đến thế? Chẳng lẽ những người không có khả năng mua nhà thì phải suốt đời phụ thuộc người bảo lãnh? Thậm chí không có người bảo lãnh thì không thể làm được hộ khẩu.

NGUYỄN CHÍ TÂM (tạm trú tại huyện Nhà Bè, TP.HCM)

Muốn có điện, nước: Phải “thương lượng”

Hai người quen của tôi, ở trọ gần nhau, từng xấc bấc xang bang vì không có hộ khẩu. Bạn tôi khi thuê nhà trọ, “choáng” khi thấy giá điện là 4.500 đồng/kW. Mỗi tháng anh tốn cả gần 900.000 đồng. Anh phải cố gắng để có được KT3 để có thể lắp điện. Nhưng có giấy KT3 rồi, chuyện lắp điện cũng không suôn sẻ, bởi yêu cầu phải có hộ khẩu, giấy tờ nhà hợp pháp. Thế là bạn tôi phải “vận dụng quan hệ” mới lắp điện được.

Đồng cảnh ngộ không hộ khẩu, anh họ của tôi rủ một số người cùng tạm trú mắc điện. Sau nhiều lần “thương lượng” trên bàn nhậu, anh cũng lắp được đường điện riêng với giá… 13 triệu đồng.

Không chỉ điện, cả người bạn và anh họ của tôi cũng khổ ải với nước sinh hoạt. Chủ nhà trọ thu tiền nước giếng 11.000 đồng/m3, nước sạch 24.000 đồng/m3. Họ muốn gắn đường nước thì nhân viên lắp nước đã ra giá 35 triệu đồng, chưa kể công lắp đặt. “Thương lượng” mãi, cuối cùng chi phí được hạ xuống còn 20 triệu đồng…

TRẦN THANH GIANG (Hà Nội)

Trì kéo khát vọng vươn lên

Hai bài viết “Hộ khẩu tạo ra nhiều bất công”“Hộ khẩu: Quản lý đừng làm khổ dân” đăng trên báo Pháp Luật TP.HCM ngày 17-6 nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc. Đa phần nêu những bất cập do “cơ chế hộ khẩu” tạo ra.

Độc giả ký tên Yoyo băn khoăn: “Hộ khẩu của tôi ở quê. Vợ chồng tôi làm ăn ở TP nên phải mang con theo. Giờ con tôi chuẩn bị lên lớp 6, nhà trường yêu cầu phải có hộ khẩu. Nếu không có hộ khẩu TP, con tôi về quê ở với ai?”.

Bạn đọc Nguyễn Duy Hy và Lưu Quang Đạo cùng nhận định: Hộ khẩu trì kéo biết bao nhiêu khát vọng vươn lên. Chính việc không cho người nhập cư đăng ký hộ khẩu gây khó khăn cho việc quản lý dân số, trật tự xã hội vì khó biết chính xác có bao nhiêu người đang sống ở TP, làm gì, ở đâu... “Hộ khẩu chỉ để quản lý người dân đang sinh sống và làm việc, vậy mà rất nhiều nhiêu khê thủ tục khó khăn khi nhập hộ khẩu ở các TP lớn. Một TP phát triển thì người dân tập trung lao động sản xuất. Nhưng Nhà nước phải xóa nạn mù chữ cũng vì con em người lao động sống tại TP rất khó kiếm được trường học vì thiếu hộ khẩu. Người thiếu hộ khẩu cũng khó tham gia bảo hiểm y tế. Không có hộ khẩu thì cũng khó khăn khi chứng nhận các loại giấy tờ. Muốn nhập hộ khẩu thì phải có giấy tờ nhà, nhà không tranh chấp... Mong Chính phủ xem xét lại vấn đề hộ khẩu” - tác giả Anh Bay viết.

TS

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm