Hết thời bỏ tiền ‘chuộc’ công trình vi phạm

“Kể từ ngày 15-1-2018, các công trình xây dựng không phép, sai phép sẽ không được áp dụng biện pháp nộp lại số lợi bất chính và cho tồn tại như tại Nghị định (NĐ) 121 trước đây” - bà Vũ Thị Hường, Phó Trưởng phòng Tổng hợp, Thanh tra Bộ Xây dựng, cho biết tại hội nghị triển khai NĐ 139/2018 của Chính phủ tại TP.HCM về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý, sử dụng nhà và công sở.

Chỉ áp dụng cho 10 năm “quá độ”

Bà Hường cho biết khoản 9 Điều 13 Quyết định 121/2008, Chính phủ đã quy định các công trình xây dựng không phép, sai phép được cho phép tồn tại và chủ đầu tư phải nộp lại số tiền thu lợi bất chính từ việc vi phạm nếu thỏa bốn điều kiện: không vi phạm chỉ giới xây dựng, không gây ảnh hưởng các công trình lân cận, không có tranh chấp, xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp.

Ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, chủ đầu tư còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được bằng 40% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép đối với công trình là nhà ở riêng lẻ, bằng 50% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép, sai thiết kế được phê duyệt hoặc sai quy hoạch xây dựng hoặc thiết kế đô thị được duyệt đối với công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng hoặc công trình chỉ yêu cầu lập báo cáo kinh tế-kỹ thuật xây dựng công trình. Sau khi hoàn thành việc nộp phạt, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng (GPXD) hoặc điều chỉnh GPXD.

Theo đại diện Bộ Xây dựng, sau một thời gian dài thực hiện, nhiều địa phương trong đó có TP.HCM gặp rất nhiều vướng mắc, lúng túng khi áp dụng quy định này. Do đó, NĐ 139 tiếp tục bổ sung, làm rõ hơn trong điều khoản xử lý chuyển tiếp.

Theo đó, các trường hợp công trình vi phạm xây sai phép, không phép mà đáp ứng đủ điều kiện nêu trên tại NĐ 121, đồng thời kèm theo hai điều kiện sau đây thì được giải quyết cho tồn tại và chủ đầu tư phải nộp lại số tiền thu lợi bất chính từ việc vi phạm.

Kể từ ngày 15-1-2018, các công trình xây dựng không phép, sai phép sẽ không được áp dụng biện pháp nộp lại số lợi bất chính và cho tồn tại như trước. Ảnh: HTD

Thứ nhấtlà công trình vi phạm phải phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt.Thứ hai là tất cả công trình vi phạm nằm trong khoảng thời gian từ ngày 1-4-2008 (ngày NĐ 180 có hiệu lực) và trước ngày 15-1-2018 (ngày NĐ 139 có hiệu lực). “Như vậy nằm trong khoảng 10 năm thời gian giữa hai NĐ để giải quyết một giai đoạn “quá độ”. Việc quy định như vậy để thu hẹp lại đối tượng được áp dụng quy định này hơn so với trước đây” - bà Hường nói.

Một điểm mới của NĐ 139 là đối tượng nhà ở riêng lẻ sẽ được miễn nộp lại nguồn lợi bất chính từ việc vi phạm. “Chúng tôi đưa vào nội dung này nhằm đảm bảo tính nhân văn và tính ổn định về kinh tế-xã hội. Ở Hà Nội từng có cả ngàn căn nhà trong khu dân cư vi phạm, nếu áp dụng thu nguồn lợi bất chính thì sẽ rất khó” - bà Hường nói.

Không phải điều chỉnh hoặc cấp phép xây dựng mới

Đại diện Bộ Xây dựng thông tin sau khi nộp lại nguồn lợi bất chính thì việc phải cấp GPXD hoặc điều chỉnh GPXD là không cần thiết nữa vì công trình đã hoàn thành. Thay vào đó, chủ đầu tư được phép làm thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, công trình xây dựng. “Chính phủ đã giao cho Bộ Xây dựng quy định chi tiết điều này và trong dự thảo thông tư mới nhất, chúng tôi đã đưa vào nội dung này” - bà Hường nói. Sau thời điểm nêu trên thì không có bất kỳ trường hợp ngoại lệ nào được áp dụng theo khoản 9 Điều 13 của NĐ 121 nữa. Nếu có vi phạm thì buộc phải tháo dỡ.

Liên quan đến việc xử lý công trình vi phạm xây dựng tại NĐ 139, theo Bộ Xây dựng sẽ có hai loại. Đối với công trình không phép, sai phép nếu đủ điều kiện cấp hoặc điều chỉnh GPXD thì sẽ cho tạm dừng thi công 60 ngày để xin phép xây dựng hoặc điều chỉnh GPXD. Sau thời gian này mà chủ đầu tư không bổ sung được GPXD thì sẽ cưỡng chế tháo dỡ. Đối với trường hợp công trình vi phạm đã hoàn thành đi vào sử dụng thì phải tháo dỡ ngay.

Chính phủ sẽ ban hành chỉ thị về tăng cường quản lý trật tự xây dựng

Theo Bộ Xây dựng, NĐ 139 chỉ quy định về việc xử lý vi phạm hành chính, trình tự, thủ tục xử lý vi phạm xây dựng. Do đó, thiếu vắng các quy định liên quan đến việc xử lý người đã để xảy ra vi phạm. Do đó, Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng soạn thảo chỉ thị của Chính phủ về tăng cường quản lý trật tự xây dựng, trong đó sẽ đề cập cụ thể đến vấn đề này. Ngoài ra, các quy định tại NĐ 180 mà NĐ 139 không chuyển tải hết cũng sẽ được đưa vào nội dung chỉ thị.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm