Hãy kiềm chế cơn giận của mình!

Theo báo cáo của Bộ Y tế, vấn nạn người nhập viện vì đánh nhau thời gian gần đây rất đáng lo ngại. Đặc biệt, trong những dịp lễ, Tết tình trạng này càng gia tăng. Đơn cử như chỉ trong sáu ngày Tết năm nay, cả nước có đến hơn 4.000 bệnh nhân độ tuổi 20-40 nhập viện vì đánh nhau.

Mâu thuẫn nhỏ cũng thành án mạng

Thời gian gần đây rộ lên những vụ ẩu đả, thậm chí giết người mà xuất phát điểm chỉ từ mâu thuẫn nhỏ, bột phát. Mới nhất, hồi cuối tháng 2 là vụ đâm chết hàng xóm vì hát karaoke quá to ở Hà Tĩnh hay vụ đánh bạn bằng mũ bảo hiểm rồi đâm chết chỉ vì không đòi được 100.000 đồng cho vay trước đó ở Chợ Mới, An Giang.

Người ra tay chỉ là người bình thường, không phải tội phạm, băng nhóm, còn đối tượng bị đánh thì rất đa dạng, từ dân thường đến CSGT, như vụ ba anh em ruột ở Mỹ Phước-Tân Vạn xông vào đánh hội đồng một CSGT chỉ vì bị nhắc đội mũ bảo hiểm; cán bộ xã Gò Công Tây (Tiền Giang) bị đánh nhập viện khi đi đo tiếng ồn từ loa khủng. Nguyên nhân nào mà con người sẵn sàng mạnh tay với nhau trong những việc không đáng như vậy?

Theo chị Nguyễn Thanh Phương, một giáo viên ở quận 9: “Có lẽ do chìm ngập trong môi trường mạng quá sớm, tiếp xúc với các thông tin bạo lực khiến con người bị tiêm nhiễm. Con người trở nên ích kỷ, coi trọng cái tôi, chỉ ăn thỏa đói, nói và hành xử thỏa giận, bất chấp người khác. Cái khóa kiểm soát hành vi trong mỗi con người là rất quan trọng và phải được hình thành từ nhỏ”.

“Ngoài việc tự kiềm chế, tôi cho rằng pháp luật phải nghiêm khắc hơn. Ở nước ngoài, đụng đến thân thể người khác có thể ở tù hàng chục năm, mất hết tương lai. Nỗi sợ ấy cũng giúp kiểm soát hành vi rất tốt” - anh Timothy Van, đang sinh sống ở Mỹ, cho biết. Còn theo ông Lý Xuân Hợp, do con người vin vào cái cớ pháp luật còn nhẹ tay nên họ cho mình quyền “tự xử”. “Khi nào luật pháp được thực thi một cách nghiêm minh, sự manh động của con người sẽ chỉ là thiểu số” - ông Hợp nhận định.

Chỉ vì giận mất khôn

TS xã hội học Phạm Thị Thúy cho rằng nguyên nhân người ta sử dụng bạo lực với nhau là do thiếu tình yêu thương trong quá trình phát triển, mầm bạo lực có cơ hội nảy sinh. Khi không đạt được mục đích, họ sẽ giận dữ và hành động để giành lại quyền lợi của mình. Các phương tiện truyền thông như con dao hai lưỡi, trước các vụ việc đen của xã hội lại đi sâu vào trách móc, đổ lỗi, mô tả quá nhiều về cái xấu thay vì đưa ra hướng giải quyết đã chi phối rất nhiều đến người tiếp nhận.

“Khả năng kiềm chế của mỗi người là bẩm sinh, tuy nhiên có thể rèn luyện được qua giáo dục. Trong đó quan trọng là giáo dục con người biết yêu thương, nhân ái, muốn xua đi bóng tối phải thắp lên những que diêm” - TS Thúy phân tích.

Lý giải ở khía cạnh khác, TS tâm lý tội phạm học Đoàn Văn Báu cho rằng những vụ cố ý gây thương tích, giết người diễn ra do mâu thuẫn rất nhỏ nhặt, các mâu thuẫn, xung đột, va chạm thường xảy ra với những người trẻ do thiếu kỹ năng xử lý tình huống, thiếu kiềm chế cảm xúc. Giới trẻ bị ám thị do chứng kiến quá nhiều hành vi hung hãn trên mạng xã hội. Do vậy, khi gặp tình huống va chạm với người khác, những hình ảnh đó sẽ hiện hữu đầu tiên, ám thị họ thực hiện hành vi tương tự.

“Để ngăn ngừa, mỗi người cần phải trang bị kỹ năng xử lý tình huống, kiềm chế cảm xúc, tránh hành vi bột phát, giận mất khôn. Đặc biệt, cơ quan chức năng phải quản lý chặt chẽ việc đăng tải thông tin trên mạng xã hội, báo chí tránh đưa tin giật gân, câu view, câu like dẫn đến ám thị xã hội” - TS Báu đề xuất.

Theo nhận định của Trung tá Mai Thống Nhất, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm (Đội 3, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP.HCM), phản ứng nóng nảy dẫn đến bạo lực của con người chủ yếu vì ích kỷ, hẹp hòi, thích thể hiện cái tôi cá nhân, do lối sống vội, thiếu suy xét, thiếu hiểu biết pháp luật… Một lãnh đạo Công an quận 3 cũng cho rằng chỉ một cái quẹt xe đã rút dao đâm nhau bản chất là do nóng nảy, máu hơn thua, ảnh hưởng của game, phim ảnh bạo lực, do chủ nghĩa anh hùng cá nhân dẫn tới hành xử không đúng. Có người do không hiểu biết pháp luật nhưng cũng có rất nhiều người có trình độ, học thức vẫn làm. Họ quá quan trọng cảm xúc nhất thời của bản thân mà không dừng lại một nhịp để cân nhắc nên mới dẫn đến gây tai vạ cho người khác và đẩy chính mình vào vòng lao lý. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm