Hai thông tư xử khác nhau về GPLX

Ngày 10-11, anh Nguyễn Văn N. đi xe máy từ Cần Thơ lên TP.HCM giao hàng. Trong ngày, anh bị cảnh sát giao thông Tiền Giang lập biên bản vi phạm, tạm giữ bằng lái và hẹn ngày 13-11 giải quyết. Ngày 12-11 (chưa đến ngày hẹn giải quyết), anh N. giao hàng xong quay về Cần Thơ thì gây tai nạn chết người do chạy quá tốc độ.

Việc xem xét xử lý trách nhiệm hình sự anh N.về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ với tình tiết không có bằng lái đang có nhiều quan điểm vì vướng vào hai thông tư hướng dẫn về giấy phép lái xe.

Theo Thông tư liên tịch số 09/2013 (của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, VKSND Tối cao, TAND Tối cao) thì người đang bị cảnh sát giao thông giữ bằng lái nếu cần tiếp tục chạy nốt hành trình còn lại thì trên hành trình đó không bị coi là không có bằng lái xe.

CSGT lập biên bản người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm luật. Ảnh minh họa: HTD

Thông tư 11/2013 của Bộ Công an thì quy định nếu vi phạm xảy ra sau thời hạn hẹn đến giải quyết vi phạm thì sẽ bị phạt vi phạm mới kèm theo vi phạm nữa là không có bằng lái. Còn vi phạm trong thời hạn hẹn thì chỉ bị phạt vi phạm mới và vẫn được xem là có bằng lái.

Có quan điểm cho rằng trường hợp trên nếu anh N. chỉ vi phạm ở mức độ xử lý hành chính thì cơ quan chức năng áp dụng Thông tư 11 là phù hợp. Tuy nhiên, vì anh A. bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trong đó Thông tư 09 chuyên biệt hướng dẫn đối với loại tội xâm phạm an toàn giao thông nên phải đưa ra áp dụng. Chưa kể thông tư này do nhiều cơ quan cùng thống nhất ban hành nên phải được “ưu tiên” dùng. Theo đó, anh N. đã giao hàng xong, đã chạy hết hành trình còn lại rồi mới gây tai nạn thì không được coi là vi phạm khi có bằng lái.

Ngược lại có người bảo về bản chất, không có bằng lái là vi phạm hành chính, không phải lỗi, cấu thành cơ bản để truy cứu trách nhiệm hình sự. Như vậy cần áp dụng Thông tư 11 để giải quyết. Trường hợp này, anh N. vi phạm trong thời gian hẹn giải quyết vi phạm trước thì được xem là có bằng lái.

Tôi cho rằng cách tính theo thời hạn (theo Thông tư 11) dễ xác định hơn là theo hành trình như Thông tư 09. Đồng thời đây cũng là cách giải quyết có lợi cho người vi phạm. Mặt khác, quy định của Thông tư 09 hiện cũng có nhiều bất cập như việc giải thích cụm từ “nốt hành trình còn lại” là như thế nào. Ví dụ, xe khách đường dài tuyến Bắc - Nam, hành trình kéo dài nhiều ngày, qua nhiều địa bàn, đến TP.HCM là đã xong hành trình. Nhưng nếu lái xe khai báo với cơ quan chức năng là còn tiếp tục chở khách loanh quanh khu vực thì sẽ xác định hành trình như thế nào? Đây sẽ là một trong những khó khăn mà cơ quan chức năng gặp phải khi xác định hành trình xe nếu lái xe cố tình né tránh pháp luật.

Áp dụng có lợi cho người vi phạm

Tôi cũng nhận thấy quy định tính theo thời hạn ở Thông tư 11 là khoa học, phù hợp hơn. Mặt khác, Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng nêu nếu quá thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm ghi trong biên bản, người vi phạm tiếp tục vi phạm sẽ bị xử phạt như hành vi không có giấy tờ. Do vậy, người bị tạm giữ bằng lái sẽ không bị mất quyền sử dụng bằng lái trong thời gian chờ giải quyết vi phạm. Giấy hẹn có giá trị thay thế giấy tờ bị tạm giữ. Chưa kể khi xử lý theo Thông tư 11 thì sẽ có lợi hơn cho anh N.

Luật sư Nguyễn Thị Tuyết Mai (Đoàn Luật sư TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm