Hà Nội thành lập đoàn giám sát về chung cư

Theo đó, cuối tháng 3-2018, Ban Đô thị sẽ giám sát qua báo cáo các quận, huyện và giám sát trực tiếp tại Sở Xây dựng, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội, Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, Ban Quản lý các công trình nhà ở, công sở… Qua đó làm rõ kết quả đạt được, những hạn chế, khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ; xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các cấp, ngành, tổ chức liên quan. Trên cơ sở đó, ban đề xuất, kiến nghị những giải pháp để thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách về quản lý, sử dụng nhà chung cư thương mại, chung cư tái định cư trên địa bàn TP thời gian tới.

Thị trường nhà chung cư Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển mạnh khi ngày càng có nhiều dự án chung cư đi vào khai thác, vận hành. Tuy nhiên, việc quản lý, sử dụng nhà chung cư lại đang xuất hiện nhiều bất cập. Tình hình đó đã khiến Bộ Xây dựng phải vào cuộc, yêu cầu UBND TP Hà Nội và UBND TP.HCM báo cáo về tình trạng dân cư khiếu nại, phản đối chủ đầu tư tại các dự án bất động sản để cơ quan này tổng hợp, báo cáo Thủ tướng.

Theo đánh giá chung, nguyên nhân dẫn đến những rắc rối, khiếu nại, tranh chấp giữa bên quản lý và cư dân tại các khu chung cư gia tăng một phần do sự thiếu chuyên nghiệp, chưa được xử lý kịp thời, triệt để dẫn đến xung đột về mặt lợi ích giữa hai bên.

Ngoài ra, bất đồng trong thu phí quản lý luôn xảy ra dù đã có Thông tư 02/2016/TT-BXD quy định quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư. Việc đóng kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư được thực hiện theo thỏa thuận giữa chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư với đơn vị quản lý vận hành trên cơ sở các quy định của pháp luật về nhà ở, trong đó đặc biệt chú trọng đến chuyên môn nghiệp vụ của những người tham gia trực tiếp vận hành bất động sản. Những cá nhân này được yêu cầu phải có giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa đào tạo theo quy định của Bộ Xây dựng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm