Gửi tin nhắn ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19 không mất phí

Để tham gia ủng hộ chương trình, người dân cần nhắn tin theo cú pháp: CV n gửi 1407. Trong đó, n là số lượng tin nhắn ủng hộ trong lần nhắn tin. Số lượng tin nhắn trong một lần nhắn tin giới hạn 1-100. Với mỗi tin nhắn, chủ thuê bao di động sẽ đóng góp tối thiểu 20.000 đồng. Tuy nhiên, trong tin nhắn cũng ghi rõ “Phí gửi tin: 300 đồng/tin”.

Nhiều bạn đọc thắc mắc vì cho rằng đây là tin nhắn ủng hộ nhưng không hiểu vì sao vẫn bị thu phí dịch vụ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc thu phí gửi tin được áp dụng theo quy định tại Thông tư 10/2015/TT-BTTTT của Bộ TT&TT về “Quy định giá cước kết nối dịch vụ nhắn tin đến Cổng thông tin điện tử nhân đạo quốc gia (cổng 1400).

Theo đó, giá cước kết nối dịch vụ nhắn tin đến Cổng thông tin điện tử nhân đạo quốc gia (cổng 1400) là 218 đồng/tin nhắn.

Vì vậy, tất cả tin nhắn tới cổng 1400, không chỉ 1407 của COVID-19, đều phải trả phí.

Liên quan đến vấn đề này, mới đây Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC vừa có đề xuất không thu cước kết nối gửi tới Bộ TT&TT. Đề xuất này dựa trên tính chất đặc biệt của chương trình “Toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch bệnh COVID-19”.

Sau khi cân nhắc, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã đồng ý với đề xuất của Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC về việc không thu cước kết nối.

Trong văn bản hồi đáp đề nghị của Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC, Bộ TT&TT cũng đề nghị các doanh nghiệp viễn thông di động nghiên cứu việc hỗ trợ, miễn cước tin nhắn ủng hộ chương trình “Toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch bệnh COVID-19”.

Văn bản này được Bộ TT&TT gửi tới các doanh nghiệp viễn thông di động trong nước gồm VNPT, Viettel, MobiFone, Vietnamobile, Gmobile và Indochina Telecom.

Ngày 24-3, trao đổi với PLO, ba nhà mạng lớn là VinaPhone, MobiFone và Viettel cho biết đã miễn phí cước toàn bộ tin nhắn (SMS) ủng hộ chiến dịch “Toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19” gửi đến Cổng thông tin điện tử nhân đạo quốc gia 1407 kể từ 0 giờ ngày 21-3 thay vì mức phí 218 đồng/tin nhắn như trước đó.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm