Gỡ rối tên cha là Hùng III

Ông Trương Ngọc Hùng III (31/22B đường số 3, phường Tam Bình, quận Thủ Đức, TP.HCM) phản ánh mấy năm nay, ông xin cải chính lại tên cha cho con nhưng chưa được vì ủy ban thì chỉ sang tòa, còn tòa bảo đây là thẩm quyền của ủy ban.

Hai cái tên tréo ngoe

Ông Hùng III kể, suốt từ nhỏ đến lớn ông được cha mẹ gọi tên là Trương Ngọc Đức. Vì thế nên năm 2000, khi làm khai sinh cho con, ông cũng khai đúng tên này. Đến năm 2005, khi mẹ mất, ông ra làm giấy báo tử tại phường thì mới phát hiện tên thật của mình ghi trong sổ hộ khẩu là Trương Ngọc Hùng III. Thấy vậy, ông đã nhờ ủy ban điều chỉnh tên cha trong giấy khai sinh của con mình nhưng không được chấp nhận. Sau thời gian đi lại, Phòng Tư pháp quận hướng dẫn ông gửi đơn ra tòa xin xác nhận cha cho con.

Tuy nhiên, khi gia đình làm đơn gửi TAND quận Thủ Đức thì bên này trả lại đơn vì tòa bảo việc cải chính hộ tịch không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa.

Ông Hùng III gặp khó khăn khi muốn cải chính tên cha cho con vì lỡ khai một cái tên khác. Ảnh: MQ

“Hai cơ quan chỉ qua chỉ lại nên sự việc của tôi kéo dài tám năm nay chưa thể giải quyết. Năm nay con tôi đã học lớp 9, nếu không sửa được tên trong giấy khai sinh thì sang năm không đủ yêu cầu để lên lớp 10” - ông Hùng III trăn trở.

“Nhiều lúc chạy qua chạy lại quá mệt mỏi nên chồng tôi chán nản tuyên bố giờ làm không được thì cho con nghỉ ở nhà, không đi học nữa. Giờ nếu nghỉ ở nhà thì con chúng tôi cũng không biết làm gì vì còn quá nhỏ. Tôi thì rất mong dù nhà khó khăn nhưng con cố gắng học để sau này biết chữ, có công việc ổn định. Nếu không đời con cũng sẽ giống bố mẹ nó bây giờ, không biết chữ nên phải làm công nhân lương ba cọc ba đồng” - vợ ông Hùng III cho biết.

Nhờ tòa xác nhận cha cho con

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Vũ, Trưởng phòng Hộ tịch (Sở Tư pháp TP.HCM), cho biết: Trong trường hợp này lỗi một phần là do đương sự khai không đúng tên và hiện nay hồ sơ gốc đã mất nên dẫn đến sự việc kéo dài. Tuy nhiên, vụ việc không phải là không có hướng giải quyết. Điều trước tiên có thể thấy rằng ông Hùng III không thể cải chính hộ tịch được vì theo luật chỉ cải chính trong trường hợp sai tên. Ở đây, cơ quan chức năng không thể xác định là sai tên, không có cơ sở xác định ông Hùng III có thật sự là cha của đứa trẻ hay không vì hai cái tên cha hoàn toàn khác nhau. Do vậy, để giải quyết vấn đề, ông Hùng III cần nộp đơn ra tòa để yêu cầu xác định cha cho con theo quy định “mẹ, cha hoặc người giám hộ theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự có quyền tự mình yêu cầu tòa án xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên” tại Điều 66 Luật Hôn nhân và Gia đình. Sau khi được tòa chấp nhận, phía ủy ban sẽ tiến hành sửa tên cha trong giấy khai sinh của con.

Phía TAND quận Thủ Đức cũng cho biết trước đây, nội dung đơn khởi kiện của đương sự là yêu cầu cải chính tên cha cho con nên theo quy định về đăng ký và quản lý hộ tịch thì không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa nên tòa trả đơn. Hiện nay, nếu đương sự gửi đơn đề nghị tòa xác định cha cho con thì tòa sẽ chấp nhận với điều kiện ông Hùng III tranh chấp với người cha tên Trương Ngọc Đức… Trong trường hợp cần thiết, tòa sẽ giám định ADN để xác định mối quan hệ cha con, làm cơ sở cho việc cải chính hộ tịch.

Không cấm đặt tên theo số La Mã

Theo quy định hiện nay, luật chỉ cấm trường hợp công dân Việt Nam nhưng đặt tên theo tiếng nước ngoài. Còn những tên mà dùng ký hiệu La Mã như trường hợp ông Hùng III thì vẫn được chấp nhận. Tuy nhiên, điều này sẽ ít nhiều gây nên sự hiểu lầm cũng như khó khăn trong quá trình làm giấy tờ.

Ông NGUYỄN VĂN VŨ, Trưởng phòng Hộ tịch
Sở Tư pháp TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm