MÔ HÌNH NHÀ SINH HOẠT CỘNG ĐỒNG TẠI HÀ NỘI:

Giúp lao động ngoại tỉnh tự bảo vệ mình

Hàng năm có khoảng 800.000 lao động ngoại tỉnh về làm ăn sinh sống tại Hà Nội (chiếm khoảng 25% dân số Hà Nội). Một thực tế đáng lo ngại là do họ ít có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, thiếu hiểu biết về luật pháp, không có việc làm ổn định nên nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, sử dụng ma túy… rất cao. Mô hình Nhà sinh hoạt cộng đồng “Ngày mới” ra đời đã trở thành địa chỉ tin cậy của người lao động.

Để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của gần 2.000 lao động ngoại tỉnh tạm trú tại khu vực phường Phúc Xá (Ba Đình), tháng 7/2007, mô hình Nhà sinh hoạt cộng đồng “Ngày mới” thuộc Viện Phát triển sức khoẻ cộng đồng Ánh sáng (Light) đã ra đời tại số 123 Nghĩa Dũng - Phúc Xá. Mục tiêu của mô hình này là giúp đỡ những người lao động ngoại tỉnh và gia đình họ có một cuộc sống tốt hơn, an toàn hơn. Từ đó, họ có thể tự bảo vệ mình trước những tệ nạn xã hội như HIV/AIDS, ma túy, mại dâm…; Nâng cao vị thế và tiếng nói của người lao động ngoại tỉnh, đặc biệt là người lao động tự do trong cộng đồng dân cư. Vận động tạo môi trường ủng hộ, hỗ trợ cho lao động ngoại tỉnh có được những điều kiện sống thuận lợi và an toàn hơn.

Bà Thu Giang, Phó Viện trưởng Viện Light cho biết: Sau 3 năm triển khai, dự án đã thiết lập được hệ thống chuyển tuyến hỗ trợ về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe - hỗ trợ luật pháp gồm 5 cơ sở y tế và 2 cơ sở hỗ trợ luật pháp. Tổ chức các hoạt động khám chữa bệnh định kỳ cho người cư trú vào thứ 7 hàng tuần. Hàng năm tổ chức một số đợt khám lưu động tại các tụ điểm đông người, tổng cộng đã có trên 1.000 lượt người lao động ngoại tỉnh được khám, tư vấn và cung cấp thuốc điều trị.

Tuy nhiên, dự án cũng gặp không ít trở ngại do việc tiếp cận và cung cấp thông tin, dịch vụ cho người lao động ngoại tỉnh rất khó khăn vì đặc thù về công việc, trình độ văn hóa, điều kiện sinh hoạt, nơi ở… của họ. Hơn nữa, bản thân người lao động ngoại tỉnh thường chỉ chú trọng đến việc kiếm tiền, không ý thức được về sự cần thiết phải có các thông tin và dịch vụ hỗ trợ…

Dự án cũng đã thành lập nhóm đồng đẳng viên, mạng lưới tình nguyện viên là những người lao động ngoại tỉnh để tham gia tuyên truyền. Trong 3 năm đã có gần 10 khóa đào tạo cho 20 đồng đẳng viên nòng cốt với các chủ đề về luật pháp, phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm, sức khỏe tình dục, kỹ năng sống…

Anh Lã Trọng Thủy, quê Hải Hậu, Nam Định, hành nghề xe ôm, thành viên nhóm đồng đẳng viên cho biết: "Hàng ngày từ 17 - 19h, nhà sinh hoạt thường mở cửa đón mọi người tới xem ti vi, đọc sách báo, xem băng đĩa, tờ rơi... Tới đây, mọi người được tư vấn sức khoẻ sinh sản, được cung cấp bao cao su miễn phí. Dự án cũng đã tổ chức được 200 buổi thảo luận nhóm với các chủ đề: di cư an toàn, chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa HIV/AIDS, tìm hiểu về pháp luật, kỹ năng sống. Chúng tôi từng tư vấn trường hợp người lao động ngoại tỉnh bị nhiễm HIV/AIDS, chúng tôi chia sẻ, động viên và tích cực hỗ trợ họ khám chữa bệnh".

Bà Đặng Thị Vân Thủy, Giám đốc Trung tâm DSKHHGĐ quận Ba Đình đánh giá: “Mô hình cho người lao động ngoại tỉnh tại Hà Nội đã góp phần cùng với địa phương thực hiện chính sách dân số và gia đình, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự địa bàn...”.

Có thể nói, mô hình Nhà sinh hoạt cộng đồng đã thực sự góp phần nâng cao đời sống cho lao động ngoại tỉnh, giảm tệ nạn xã hội. Từ đó giúp họ có thể tự bảo vệ mình trước những vấn đề xã hội như HIV/AIDS, ma túy, các bệnh truyền nhiễm… để có cuộc sống tốt hơn, an toàn hơn /.

Theo Hoàng Dũng (TNVN,VOV)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm