Giúp bạn đối phó với đồng nghiệp "lắm mồm"

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Một nghiên cứu của Đại học Stanford, Mỹ, đã chỉ ra rằng, làm việc ở nhà giúp tăng năng suất thêm 13%, trong đó 9% tăng thêm đến từ việc tiết kiệm được thời gian nghỉ giữa giờ và 4% đến từ môi trường làm việc yên tĩnh hơn. Tuy nhiên, không phải công ty nào cũng có chính sách cho nhân viên làm việc ở nhà. Thậm chí, trong một số trường hợp, ngay cả khi làm việc ở nhà, bạn cũng khó lòng thoát khỏi những đồng nghiệp thích nói chuyện. Họ sẵn sàng làm phiền bạn bằng các công cụ chat, điện thoại…Việc để trạng thái “bận” hay phản hồi chậm là một vài cách dễ dàng để ngăn chặn việc bị lôi kéo vào những cuộc chat dài bất tận trên mạng. Vậy nếu bạn phải đến làm việc ở văn phòng mỗi ngày và ngay bên cạnh bạn là những đồng nghiệp “mồm năm miệng mười”, bạn sẽ phải làm gì? Dưới đây là một số bí quyết giúp bạn đối phó: 1. Tạo ra một “hàng rào phòng thủ” Có thể hơi “bất lịch sự”, nhưng với những đồng nghiệp “dài dòng” bạn nên áp dụng cách này: Nếu biết họ sắp đến gần bàn làm việc của bạn, hãy tạo ra một không gian kém sự chào đón. Hãy đặt ví, cặp, áo khoác, kẹp giấy… lên chiếc ghế còn lại bên cạnh bàn làm việc của bạn hoặc không gian còn dư thừa trên bàn để họ không thể đứng mãi hàng giờ để “tám”. 2. Nói: “Xin lỗi, tôi sắp có một cuộc gọi quan trọng” Đây là một cách tuyệt vời để “giải tán” những cuộc trò chuyện bất tận mà bạn không hứng thú với các đồng nghiệp thích “tám”. Trên thực tế, tất cả những câu từ như “bận”, “sắp có hẹn”, “sắp có việc”… đều mang tính cảnh báo đối với những “tay buôn chuyện” ở công sở. Nhưng đừng quên nói thêm một câu thật lịch sự rằng: “Chúng ta sẽ nói chuyện tiếp sau nhé!”.
3. Tạo ra một số việc để đồng nghiệp thích “tám” phải làm
Nếu người đồng nghiệp đó dư dả thời gian để “tám”, có lẽ anh/cô ấy cần thêm một số việc để làm. Lần tới, nếu anh/cô ấy có ý định chiếm thời gian của bạn, hãy nhã nhặn đề nghị anh/cô ấy giúp một việc, chẳng hạn giúp bạn đọc lại và soát lỗi bản báo cáo. Nếu anh/cô ấy đồng ý, thật tuyệt là bạn có người giúp. Còn nếu anh/cô ấy từ chối vì lý do bận, thì ngay lập tức anh/cô ấy sẽ phải quay trở lại làm việc tiếp. Thật là tiện cả đôi đường. 4. Hẹn gặp ngoài giờ làm việc “Cậu có thích đi uống cà phê sau giờ làm không?” có thể là một cách tuyệt vời khác để giảm tình trạng bị làm phiền trong khi vẫn duy trì được mối quan hệ tốt đẹp với người đồng nghiệp thích “tám”. Bằng cách này, bạn đặt ra một ranh giới ở công sở, để người đó biết là bạn có thể tự do trò chuyện ngoài giờ làm việc, còn trong giờ thì không. Việc bạn chấp nhận “tám” trong khi bạn đang bận chỉ là sự “tử tế” không cần thiết. 5. Đứng bật dậy khi anh/cô ấy bước đến gần Cách này sẽ làm giảm khả năng người đồng nghiệp thích “tám” ngồi xuống cạnh bàn làm việc của bạn lâu hơn bạn muốn. Một gợi ý tuyệt vời khác là bạn tiếp tục làm việc, chỉ ngẩng lên mỉm cười rồi lại cúi xuống như thể bạn đang bận rộn để hoàn tất công việc cho kịp thời hạn. Nói cách khác, ngôn ngữ cơ thể của bạn sẽ phát tín hiệu cho thấy bạn thực sự không thể “tám” được vào lúc này.  Ngược lại, nếu bạn, đẩy ghế về phía sau và đối diện với người đồng nghiệp thích “tám”, bạn vô hình chung đã nhất trí để anh/cô ấy nói, nói, và… nói. Trong trường hợp tất cả những gọi ý trên không đem lại hiệu quả, đã đến lúc bạn phải đối mặt với người đồng nghiệp không mấy dễ chịu này. Đây có thể là một cuộc trò chuyện không dễ dàng, nhưng đừng ngại. Luôn có cách để bạn lên tiếng mà vẫn đảm bảo được sự tôn trọng cần thiết. Hãy bắt đầu bằng những thông tin tích cực và thái độ tôn trọng. Sau khi tạo ra được một môi trường an toàn, hãy chia sẻ những sự thực của vấn đề bằng một thái độ không hề phê phán hay chỉ trích. Đồng thời, bạn cũng cần để anh/cô ấy đưa ra ý kiến của mình. Sau một cuộc nói chuyện thẳng thắn và chân tình, có thể bạn sẽ ít bị làm phiền hơn.
Phương Anh
Theo
AOL Jobs/Dân Trí

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm