Giữ lại cán bộ yếu kém là có tội với dân!

Tuần qua, loạt bài “Làm sao để CSGT bớt ra đường”, “Đề xuất biện pháp mới cho CSGT bắt lỗi hiệu quả”… của báo Pháp Luật TP.HCM nêu việc phạt nguội và những khó khăn khi xử lý hậu ghi hình được nhiều bạn đọc, dư luận quan tâm.

Phần nhiều ý kiến bạn đọc đều ủng hộ việc phạt nguội nhưng cách thực hiện thì còn nhiều điều phải bàn. Theo bạn ThanhHa, việc phạt nguội để đảm bảo tính minh bạch trong xử phạt vi phạm giao thông và cũng tránh được điều tiếng không hay cho lực lượng CSGT. Tuy nhiên, với cách làm hiện nay, do việc kết nối dữ liệu chưa được đồng bộ trên cả nước nên phát sinh nhiều tình huống gây khó khăn và mất thời gian của người dân và cơ quan công an.

Theo bạn HoangLe, phạt nguội là cần thiết nhưng phải đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu và quy định pháp luật chặt chẽ thì việc phạt nguội mới đạt hiệu quả cao.

Loạt bài về “Mạng lưới “đỏ đen” xuyên quốc gia thời @” của báo cũng nhận được rất nhiều ý kiến chia sẻ, bức xúc của bạn đọc. Tác giả đã bóc mẽ nhiều đường dây đưa người sang Campuchia đánh bạc và bao mảnh đời, gia đình đã mất mát, tan nát vì vấn nạn “đỏ đen” này.

Nhiều bạn đọc đã bình luận cho các tuyến bài nóng trong tuần qua

Bạn Nguoimienque chia sẻ: “Gia đình tôi cũng đã có người con dính vào con đường “đỏ đen” tàn mạt này rồi. Người chơi như con thiêu thân, bao nhiêu tài sản trong nhà theo đó mà tiêu tán. Bao nhiêu lời khuyên của cha mẹ, người thân đều như “đàn gảy tai trâu”. Giờ mọi người trong gia đình, bà con lối xóm đều coi con tôi như ăn trộm. Vì ai hở ra cái gì nó sẽ lấy bán lấy tiền để đánh bài. Tôi đã lực bất tòng tâm rồi”.

Đã có nhiều hậu quả đau lòng vì cảnh nợ nần, tan nhà nát cửa vì casino. Bạn MinhNguyen cho biết ở Tây Ninh, trên con đường qua cửa khẩu Mộc Bài có cây cầu Gò Dầu nhưng nó nổi tiếng hơn với tên “cầu xóa nợ”. Bao nhiêu con bạc sau khi thua “cháy nhà” đã trở về cây cầu này nhảy sông tự tử để xóa nợ. Dễ gì xóa được nợ đã vay từ những tay trùm bên Campuchia, dù người vay đã chết rồi gia đình họ cũng phải gánh thôi.

Tuyến bài về tình trạng con ông cháu cha (Hà Nội: Có cơ quan 40% người là “con cháu các cụ”; Nhiều cán bộ có lắm bằng cấp chỉ để tô điểm; Con các ông lớn và sự góp sức làm hỏng bộ máy!) thu hút rất nhiều bình luận của bạn đọc trong tuần qua. Nhiều bạn đọc ngỡ ngàng khi nghe ông Tô Quang Phán, Tổng Giám đốc Đài Phát thanh-Truyền hình Hà Nội, thông tin: “Ở cơ quan này có đến 40% lao động làm việc không hiệu quả. Số cán bộ này không loại bỏ được vì là con ông này, cháu bà kia từ trung ương trở xuống TP”.

Theo bạn Mientay, việc tinh giản biên chế bộ máy nhà nước đã được nói từ lâu nhưng đến nay xem ra còn nhiều khó khăn, bất cập. Sợ nhất là tinh giản sai mục đích, tức là cho nghỉ việc những người làm được việc, còn người không làm được việc được ở lại. Kết quả là bộ máy hoạt động ngày càng tồi tệ. Nghe con số 40% lao động không làm được việc mà không đuổi được thì thật khôi hài và xót cho tiền đóng thuế của dân để nuôi mấy con ông cháu cha này.

 “Vì sao khó loại cán bộ yếu kém?” là câu hỏi của bạn TuGiang. Ở các doanh nghiệp nước ngoài thì việc này làm rất chuẩn và nhanh chóng. Chỉ cần kiểm tra kiến thức, trình độ là ra ngay thôi. Cái gì cũng có thể mua được bằng tiền, kể cả bằng cấp nhưng kỹ năng công việc là thứ không thể mua được. Trong chuyện này, không loại được những cán bộ yếu kém này thì chỉ có cả nể thôi.

Bạn NgocBich bức xúc: “Có đến gần phân nửa lao động không đủ năng lực làm việc thì bộ máy này hoạt động kiểu gì? Phải sa thải ngay thôi và công bố tên tuổi cho người dân biết, đừng nghĩ vì con ông này, cháu bà kia mà cả nể. Giữ lại họ trong bộ máy là có tội với dân, với nước”.

Hãy mạnh dạn cắt bỏ 40% cán bộ đó đi!

Rất nhiều bình luận của bạn đọc đề nghị mạnh dạn cắt bỏ 40% số lao động không làm được việc ở Đài Phát thanh-Truyền hình Hà Nội.

“Một giải pháp đơn giản nhưng không biết các ông có dám làm không. Mạnh dạn cắt 40% đó đi, lấy lương đó bù cho những người làm được. Kết quả sẽ cho thấy tốt hơn mong đợi ngay thôi mà” - bạn đọcnguyenhoangson@...

“Nếu xét bằng cấp để giảm biên chế thì 60% số người làm được việc lại coi chừng nghỉ việc hết. Còn lại số 40% kia còn trong biên chế. Coi chừng sẽ có nghịch lý trong xét duyệt năng lực lao động” Phương Dung.

“Làm không được thì cương quyết cho nghỉ việc theo đúng quy định pháp luật. Tại sao phải sợ con cháu ông bà nào? Chống tiêu cực, lãng phí mà không dám đuổi những người không được việc thì chống kiểu gì đây?” -minhsangsang@...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm