Giao lưu trực tuyến về xử phạt xây dựng trái phép tại TP. HCM: Tha hay đập tùy thời điểm xây dựng

Buổi giao lưu trực tuyến do Sở Xây dựng TP.HCM và Pháp Luật TP.HCM phối hợp thực hiện, chủ đề “Quy định mới về xử phạt xây dựng trái phép” đã nhận được hàng trăm câu hỏi của bạn đọc. Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Phan Đức Nhạn cùng các cộng sự đã dành cả buổi sáng 23-7 để trả lời những thắc mắc và bức xúc của dân.

Nhiều nhà sai phép có thể được tồn tại

Việc xử lý nhà xây không phép, sai phép ra sao còn tùy thuộc vào thời điểm thực hiện việc xây dựng. Với trường hợp xây nhà không phép vào năm 2001 như bạn đọc Phan Phương (124 Bùi Minh Trực, phường 5, quận 8, TP.HCM), Sở Xây dựng cho biết: Nhà xây trước ngày 1-7-2004 (ngày Luật Xây dựng có hiệu lực), nếu không phù hợp quy hoạch được duyệt thì được cho phép tồn tại theo hiện trạng. Đến khi thực hiện quy hoạch, chủ nhà phải thực hiện phá dỡ công trình theo quy định. Nếu phù hợp với quy hoạch xây dựng sẽ được xem xét cho tồn tại và được xét cấp giấy hồng.

Còn nhà xây không phép, sai phép trong khoảng thời gian: sau 1-7-2004, trước ngày 4-1-2008 (thời điểm Nghị định 180 ngày 7-12-2007 của Chính phủ hướng dẫn Luật Xây dựng có hiệu lực), nếu không vướng quy hoạch thì có được tồn tại? Sở Xây dựng TP cho biết vấn đề này còn phải chờ hướng dẫn.

Phạt nặng để răn đe

Còn năm buổi giao lưu

Từ nay đến cuối năm, Pháp Luật TP.HCM phối hợp với Sở Xây dựng TP.HCM tiếp tục tổ chức năm buổi giao lưu. Mời bạn đọc đón theo dõi chủ đề tháng 8-2009: Nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân, ký túc xá sinh viên, chính sách tái định cư trên địa bàn TP. Khách mời là Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Văn Danh. Bạn đọc có thể gửi trước câu hỏi qua địa chỉ e-mail: tructuyen@phapluattp.vn.

Bạn đọc Trần Tạ Tuấn (quận 2, TP.HCM) nhận xét mức phạt của Nghị định 23 ngày 27-2-2009 quá cao: phạt 300-500 triệu đồng trong trường hợp không chấp hành quyết định đình chỉ thi công của UBND cấp xã. Mức phạt trên gấp nhiều lần so với giá trị một căn nhà cấp bốn. Bạn đọc này đề nghị Sở Xây dựng TP kiến nghị với trung ương để chỉnh sửa theo hướng thấp hơn.

Ông Phan Đức Nhạn giải thích sở dĩ mức phạt cao như vậy là để nâng cao tính răn đe, xử lý nghiêm vấn nạn xây nhà không phép, sai phép đang phá vỡ quy hoạch chung của TP. Mặt khác, Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 (được sửa đổi, bổ sung năm 2008) quy định mức phạt tối đa là 500 triệu đồng nên mức phạt được quy định trong Nghị định 23 là đúng pháp luật. 

Bạn đọc Nguyễn Khôi (kakaacmilan_...@yahoo.com.vn) hỏi: “Nghị định 23 có hiệu lực từ ngày 1-5-2009, vậy những nhà xây dựng trước thời điểm đó (đã hoàn chỉnh) chưa bị lập biên bản xử phạt thì tại thời điểm bây giờ, nếu phạt thì sẽ xử lý theo nghị định nào?  

Lãnh đạo Sở Xây dựng TP trả lời:

Theo hướng dẫn của Thanh tra Bộ Xây dựng, những hành vi vi phạm trong hoạt động xây dựng đã xảy ra trước ngày 1-5-2009 nhưng được phát hiện sau ngày này mà vẫn còn thời hiệu xử phạt (chưa quá hai năm) thì áp dụng xử phạt theo Nghị định 23. Trường hợp đã hết thời hiệu xử phạt thì không bị xử phạt bằng tiền nhưng vẫn phải áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả.

Bị đánh vì tố cáo cán bộ nhận hối lộ?

Bạn đọc Quách Thị Hoa (Gò Vấp, TP.HCM) bức xúc: “Cuối năm 2008, tại khu phố tôi có bốn hộ xây dựng, sửa chữa nhà không phép, trong đó có nhà tôi. Sau đó, nhà tôi bị cắt điện và năm tháng nay tôi không có điện xài. Trong khi đó, ba trường hợp còn lại được phường hướng dẫn thủ tục để cấp phép. Tôi có tố cáo cán bộ thanh tra xây dựng và chủ tịch phường nhận hối lộ, cán bộ phường còn kích động bên đưa hối lộ đánh tôi trọng thương”.

Lãnh đạo Sở Xây dựng trả lời: Căn cứ Nghị định 180/2007, việc ngừng cung cấp điện, nước sau khi cấp thẩm quyền ban hành quyết định đình chỉ thi công là đúng. Về thủ tục xin cấp phép, bà Hoa liên hệ UBND phường để được hướng dẫn cụ thể. Việc bà Hoa bị đánh trọng thương, lãnh đạo Sở Xây dựng đề nghị bà phản ánh đến thủ trưởng cơ quan quản lý cán bộ đó để được giải quyết.

Với những câu hỏi chưa kịp giải đáp, Báo sẽ chuyển đến Sở Xây dựng TP.HCM và đăng tải trên trang Pháp Luật Online trong thời gian sớm nhất.

Giao lưu trực tuyến về xử phạt xây dựng trái phép tại TP. HCM: Tha hay đập tùy thời điểm xây dựng ảnh 1Lên báo, phải thật kỹ!

Đó là dặn dò của ông Phan Đức Nhạn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, đối với anh em thanh tra xây dựng. Ông Nhạn ngồi bên máy tính để dò lại từng câu trả lời của chuyên viên rồi mới chuyển cho tòa soạn đăng tải. Với những câu hỏi phức tạp, ông và các cộng sự sôi nổi thảo luận để đảm bảo thông tin tới người dân chính xác, chặt chẽ nhất.

Đông chuyên viên nhất

Cùng đi với Phó Giám đốc Phan Đức Nhạn có Chánh Thanh tra Sở Hồ Thị Kim Loan, hai phó chánh thanh tra cùng năm thanh tra xây dựng. Ông Nhạn cười: “Để tranh thủ trả lời dân thật nhanh, thật nhiều!”.

Giao lưu trực tuyến về xử phạt xây dựng trái phép tại TP. HCM: Tha hay đập tùy thời điểm xây dựng ảnh 2“Nữ tướng” trăm công ngàn việc

Chánh Thanh tra Sở Xây dựng TP Hồ Thị Kim Loan là “nữ tướng” hiếm hoi trong ngành. Ngoài TP.HCM, chỉ có Bình Thuận là có chánh thanh tra xây dựng nữ. “Nữ tướng” ngồi giao lưu trực tuyến tại tòa soạn mà điện thoại reo liên tục. Bà vừa dán mắt vào màn hình vi tính để theo dõi câu hỏi của bạn đọc, vừa chỉ đạo, điều hành công việc qua điện thoại.

Trực tuyến qua... điện thoại

Có lẽ lĩnh vực xây dựng là mối quan tâm, bức xúc hàng đầu của người dân nên hôm qua, phòng online của Báo không chỉ nhận hàng trăm câu hỏi của bạn đọc qua fax, e-mail mà còn nhận được nhiều cuộc điện thoại: “Sao chưa thấy trả lời thắc mắc của tôi?”. Cuối buổi, một thanh tra Sở còn tư vấn qua điện thoại cho một trường hợp ở quận 1. Có bạn đọc còn đến tòa soạn và gửi câu hỏi trực tiếp cho phóng viên.

ÁI PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm