Giải trình xong phải thực hiện

Nghị định 90/2013 của Chính phủ về “Quy định trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ quyền hạn được giao” (có hiệu lực ngày 30-9) là một điểm nhấn trong cải cách hành chính. Nó tiếp tục khẳng định quy chế dân chủ và là điều kiện pháp lý để các tổ chức, cá nhân thể hiện quyền làm chủ. (Xem thêm bài “Dân có quyền buộc cán bộ giải trình”, Pháp Luật TP.HCMngày 16-8). Tuy nhiên, trong việc buộc cán bộ giải trình, tôi thấy có khả năng phát sinh nhiều cái khó và cơ quan chức năng cần có hướng dẫn cụ thể để giải quyết vấn đề.

Giải trình xong phải thực hiện ảnh 1

Thứ nhất, theo khoản 2 Điều 6 của nghị định thì “Nội dung yêu cầu giải trình liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân có yêu cầu giải trình”. Như vậy, với những sự việc cụ thể và có tính chất phức tạp về lợi ích, sẽ khó phân biệt được đâu là “lợi ích liên quan” và “lợi ích liên quan trực tiếp”.

Thứ hai, khoản 3 Điều 6 cũng quy định “Nội dung yêu cầu giải trình thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý của cơ quan được yêu cầu”. Trên thực tế có những sự việc mang tính liên đới trách nhiệm của nhiều cơ quan quản lý (vấn đề bồi thường, giải tỏa, tái định cư...), lúc đó việc xác định ai phải giải trình sẽ là bài toán khó. Luật quy định thời hạn tối đa là 90 ngày để yêu cầu giải trình nhưng nếu người yêu cầu giải trình “sai địa chỉ” thì chúng ta sẽ giải quyết như thế nào?

Thứ ba, cơ chế nào để giám sát hoạt động của người giải trình? Đành rằng Điều 17 của nghị định có quy định việc thanh tra, kiểm tra thực hiện trách nhiệm giải trình thuộc cơ quan nhà nước cấp trên nhưng vấn đề ở chỗ người dân rất cần quá trình giám sát này được tiến hành trước, trong và sau tiến trình giải trình; có như thế mới mang lại tính khách quan, dân chủ, minh bạch…

Thứ tư, người yêu cầu giải trình khó phân biệt được lúc nào yêu cầu của họ “thuộc bí mật đời tư” hay “bí mật kinh doanh” (theo quy định tại điểm c và điểm d Điều 5 nghị định). Từ chuyện này thì có thể người bị yêu cầu giải trình “mượn cớ” là yêu cầu giải trình đó “không thuộc phạm vi trách nhiệm giải trình” bởi đó là vấn đề “bí mật đời tư” hay “bí mật kinh doanh”. Lúc đó cái khó của người yêu cầu giải trình là thiếu thông tin xác thực (thậm chí hiểu biết về pháp luật) để “đối chất” với người giải trình. Rõ ràng lúc này càng cần phải có cơ chế giám sát (cơ quan nhà nước cấp trên) và cơ chế công khai minh bạch (các văn bản pháp lý liên quan)...

TS PHẠM ĐI, Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh

Cần phải thực hiện lời hứa nếu có

Theo tôi, nếu buộc các cơ quan chức năng giải trình những thắc mắc của dân không thôi là chưa đủ. Vấn đề căn cơ là sau giải trình những cán bộ đó có thực sự bắt tay giải quyết những cái mà họ đã hứa (nếu có) hay không. Nếu mọi việc chỉ dừng ở giải trình thì hiện nay cán bộ dưới phường, quận họ vẫn có làm đấy chứ. Nếu không quy định rõ là những lời giải trình và hướng giải quyết đề ra phải thực hiện trong thời gian bao lâu, trường hợp chưa làm được phải công khai trả lời trên báo chí cho người dân được biết lý do tại sao… thì luật khó đi vào cuộc sống. Sự im lặng của cán bộ, chính quyền sau giải trình có thể khiến người dân bức xúc, không còn muốn đóng góp ý kiến nữa...

THÚY(tran_minhthuy2002@...)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm