Giá như bác sĩ đừng kiệm lời

Bệnh lâu nhưng không dứt hẳn mà cứ tái đi tái lại nhiều lần. Cách đây hai tháng, tôi thấy mệt mỏi và mất ngủ nhiều hơn nên lại đến BV. Lần này thăm khám cho tôi là một bác sĩ (BS) nam còn rất trẻ. Sau khi trao đổi rồi chẩn đoán, BS kê toa thuốc y như trước giờ tôi vẫn uống. Vừa nhập toa, BS vừa hỏi tôi có thường xuyên vận động, tập thể dục không, có dùng cà phê, thuốc lá không... rồi dặn dò đối với loại bệnh này nên ăn gì, tránh gì. BS nói tiếp, thuốc chỉ là một phần, quan trọng là phải làm việc, nghỉ ngơi hợp lý. Thường xuyên vận động, tập thể dục nhẹ nhàng vào buổi sáng khoảng 30 phút sẽ tốt hơn nhiều cho hiệu quả điều trị.

Nghĩ lại đúng là tôi rất ít vận động. Khi trẻ hơn tôi có chơi cầu lông nhưng sau này do mải mê công việc tôi bỏ thể thao hẳn. Trước đây dù đi khám nhiều nhưng chưa có BS nào đề cập những chuyện ngoài lề như thế này. Các BS chỉ khám rồi ghi đơn thuốc, rất gọn lẹ. Lời khuyên của BS mới khiến tôi giật mình nhìn lại bản thân. Có lẽ do tôi phó mặc hoàn toàn cho thuốc nên tình trạng mới lâu cải thiện đến vậy.

Nghe lời khuyên, tôi cố gắng dậy sớm hơn 30 phút, làm các bài thể dục nhẹ nhàng, đi bộ quanh khu nhà. Dù không kỳ vọng nhưng sức khỏe tự chuyển biến lúc nào không hay. Nếp sinh hoạt của tôi chỉ thay đổi đúng 30 phút đó nhưng sức khỏe lại chuyển biến hẳn. Tôi thấy người nhẹ nhõm, trí óc minh mẫn, cơn đau đầu vào buổi chiều cũng giảm hẳn. Tôi khỏe hơn và hoàn toàn không còn lo lắng, bi quan vì bệnh tật nữa. Tôi rất muốn gửi lời cám ơn đến người BS trẻ tuổi của khoa Nội thần kinh BV Nguyễn Tri Phương vì sự ân cần, chu đáo của anh. Quả thực tôi cũng không ngờ có chuyển biến rõ và nhanh như vậy chỉ với một thay đổi nhỏ trong nếp sinh hoạt của mình.

Trường hợp khác là một người thân của tôi mang thai đến tháng thứ năm thì bị phù khắp người, lần nào đi khám, BS ở một BV quận cũng chỉ đo huyết áp, thử nước tiểu xem có bị chứng tiền sản giật không. Kết quả là không bị gì. Tuy nhiên, dù người thân của tôi có thắc mắc nhưng BS không hề cho một lời khuyên vì sao phù sớm như vậy, cách phòng tránh ra sao… Mãi sau này sau khi sinh con, tình cờ đi khám ở một nơi khác, chị ấy mới biết rằng nguyên do phù trong thời gian đó là do chị ăn mặn, ít vận động, ngồi nhiều gây chèn ép tĩnh mạch. Sau này, gặp ai có chứng tương tự lúc mang thai, chị luôn khuyên ăn nhạt, năng vận động nhẹ nhàng, lúc ngủ nhớ gác cao chân…

Trộm nghĩ giá như các BS trước cũng siêng mở rộng đề tài, đừng kiệm lời quá mà hãy trao đổi, khuyên thêm bệnh nhân những điều hữu ích, có lẽ tôi đã khỏe sớm hơn. Ai cũng biết bây giờ thông tin đầy trên mạng nhưng nếu từ chính miệng BS thì nó sẽ “thiêng” hơn rất nhiều. Bệnh nhân nào cũng giống bé ngoan trước mặt BS mà, nói gì cũng muốn nghe theo cả.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm