Gây tai nạn rồi bỏ trốn, xử lý trách nhiệm ra sao?

Ngày 19-12, Công an huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội đã phát đi thông báo truy tìm người điều khiển ô tô gây tai nạn đâm một bà cụ 72 tuổi tử vong rồi bỏ trốn.

Theo thông tin ban đầu, khoảng 4 giờ 30 ngày 8-12, tại trước số nhà 53 Nguyễn Bình (quốc lộ 5, thuộc địa phận thị trấn Trâu Quỳ) xảy ra vụ va chạm giữa một ô tô năm chỗ màu đen chưa rõ BKS với xe đạp màu xanh do bà H. (72 tuổi, trú tại Gia Lâm) điều khiển đi thể dục buổi sáng. Hậu quả, bà H. tử vong tại chỗ.

Sau tai nạn, tài xế đã dừng lại, mang xe đạp của nạn nhân đi cất giấu rồi lên ô tô bỏ đi.

Liên quan đến vụ việc này nhiều bạn đọc đã gửi câu hỏi đến báo Pháp Luật TP.HCM đặt câu hỏi trường hợp người gây ra tai nạn giao thông rồi bỏ trốn thì xử lý trách nhiệm như thế nào?

Về vấn đề này luật sư Từ Tiến Đạt, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết Điều 38 Luật Giao thông đường bộ hiện hành quy định, người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn có trách nhiệm: Dừng ngay phương tiện, giữ nguyên hiện trường, cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu; ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến.
Bên cạnh đó khoản 17 Điều 8 luật này cũng quy định nghiêm cấm hành vi bỏ trốn sau khi gây tai nạn để trốn tránh trách nhiệm.

Do đó, việc tài xế ô tô gây tai nạn rồi bỏ trốn đã vi phạm đến điều cấm trong Luật Giao thông đường bộ và trách nhiệm của cá nhân gây ra tai nạn.

Về xử lý trách nhiệm thì tùy vào từng trường hợp, căn cứ vào tính chất, mức độ của vụ việc mà có thể xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự.

Về xử lý hành chính: Căn cứ vào điểm b khoản 7 Điều 5 Nghị định 146/2016 thì hành vi người điều khiển ô tô gây tai nạn giao thông bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đến 6 triệu đồng.

Về xử lý hình sự: Người gây tai nạn giao thông rồi bỏ trốn còn có thể bị xử lý hình sự về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Theo đó, người vi phạm gây tai nạn dẫn đến hậu quả làm chết người sẽ bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Trường hợp phạm tội mà bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.

Như vậy, trường hợp vi phạm quy định về tham gia giao thông gây tai nạn chết người mà còn bỏ trốn thì sẽ bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm