Gây tai nạn chết người, tài xế có được rời đi?

Nhiều ý kiến cho rằng tài xế xe đầu kéo container đã cố tình cán chết người đi xe máy, bỏ chạy khỏi hiện trường rồi mới ra tự thú.

Trong nhiều vụ TNGT khác, các tài xế thường chọn cách bỏ đi thay vì ở lại hiện trường giúp đỡ nạn nhân hoặc phối hợp với cơ quan chức năng. Câu hỏi được mọi người đặt ra là: Khi gây ra tai nạn, tài xế có được rời đi hay không?

Luật sư (LS) Trần Tuấn Anh, Đoàn LS Hà Nội, cho biết khoản 1 Điều 38 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 có quy định về trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi xảy ra TNGT.

Theo đó, người điều khiển phương tiện gây ra tai nạn chỉ được rời khỏi nơi xảy ra tai nạn trong ba trường hợp: Bản thân bị thương phải đi cấp cứu; phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc bị đe dọa đến tính mạng. Tuy nhiên, sau khi rời khỏi hiện trường, tài xế phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất.

Hiện trường vụ tai nạn giao thông ở vòng xoay Mỹ Thủy (quận 2, TP.HCM). Ảnh: NGUYỄN TÂN

Theo LS, rời khỏi hiện trường khác với bỏ trốn. Nếu sau khi rời đi tài xế không đến trình báo với cơ quan chức năng, trốn tránh trách nhiệm mới bị coi là bỏ trốn.

Đồng quan điểm, một cán bộ thuộc Phòng CSGT TP Hà Nội khẳng định các tài xế được quyền rời khỏi hiện trường nếu cảm thấy tính mạng bị đe dọa nhưng chỉ con người được rời đi, phương tiện và các yếu tố khác phải giữ nguyên tại hiện trường.

“Nếu bị người nhà của nạn nhân hoặc ai đó đe dọa an toàn, tài xế có thể tạm rời khỏi hiện trường, thời gian tối đa là 24 tiếng” - vị này cho biết.

Quy định này khá tích cực nhưng cũng khiến nhiều người e ngại về khả năng bị lạm dụng. Có ý kiến cho rằng thời gian này tài xế có thể thay đổi tình tiết của vụ việc, ví dụ để giảm nồng độ cồn, thay đổi thành phần người ngồi trên xe, thậm chí đổi cả tài xế.

Vị cán bộ thuộc Phòng CSGT TP Hà Nội cho rằng vấn đề này còn nhiều tranh cãi và buộc cơ quan chức năng phải vào cuộc sớm, xác minh, điều tra bằng các biện pháp khoa học để đảm bảo tính khách quan.

Theo LS Tuấn Anh, trong trường hợp không cứu giúp người gặp nạn mà cố tình rời đi (trừ các tình huống được cho phép) thì tài xế có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định 46/2016 hoặc trở thành tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự của tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Nếu tài xế không có dấu hiệu hình sự nhưng hậu quả của hành vi không cứu giúp dẫn đến người bị tai nạn chết thì có thể bị xem xét, truy cứu về tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm