Gầy dựng nhân tài ngay địa phương

Nhân đọc bài “Giải tiếp bài toán thu hút hiền tài” (Pháp Luật TP.HCM ngày 30-6) tôi có một vài suy nghĩ, đóng góp.

Nhiều băn khoăn

Thời gian gần đây, không chỉ Hà Nội mà ở nhiều địa phương đều có chính sách thu hút nhân tài. Đây là một tín hiệu đáng mừng, thoát qua cái thời tuyển người, bố trí công việc chỉ quan tâm đến một số tiêu chuẩn nào đấy mà không hề liên quan trực tiếp gì đến công việc họ sẽ làm, vị trí họ đảm trách. Thậm chí có khi chúng ta không chú ý kể cả hậu quả, hiệu quả công việc của người đó sẽ làm.

Thế nhưng theo tôi, nhiều địa phương cùng rộ lên phong trào thu hút nhân tài thì chẳng khác gì cơn sốt tranh mua mía cho các nhà máy đường khi thực thi một chính sách sai lầm là xây nhà máy mà không tính đến đầu tư cho vùng nguyên liệu.

Một vấn đề khác cũng đáng quan tâm, thị trường nhân lực ngày nay bằng cấp có đủ đấy nhưng hàng gian, hàng dỏm cũng nhiều khiến rủi ro khi tìm một người tài thực cũng rất cao. Chưa kể chuyện đánh giá nhân tài như thế nào là chuẩn xác, cách tuyển chọn, thu hút đã phù hợp chưa. Chế độ đãi ngộ có tương xứng... vẫn còn phải suy ngẫm nhiều. Thực tế là có địa phương trải thảm đỏ mời nhân tài nhưng sau một vài năm, kiểm điểm lại chỉ thu hút được rất ít.

Gầy dựng nhân tài ngay địa phương ảnh 1

Thi tuyển công khai các chức danh cũng là một cách thu hút hiền tài. Ảnh: HTD

Phát huy nội lực

Theo tôi, để giải quyết tốt hơn bài toán hiền tài thì song song với việc thu hút nhân tài, chúng ta cần phải quan tâm nhiều đối với việc phát hiện, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài. Xã hội không hiếm người hiền tài. Vấn đề là phải chịu khó tìm, có biện pháp và tổ chức thực hiện cương quyết, bài bản. Nhiều địa phương sau một thời gian đã “giác ngộ” ra là thay vì “hướng ngoại”, trông chờ từ các tỉnh ngoài đã thay đổi hướng “phát huy nội lực”. Nghĩa là kiểm kê lại đội ngũ sẵn có ở địa phương, có chính sách tạo điều kiện tu nghiệp nâng cao kiến thức, năng lực. Cạnh đó, địa phương cũng phải có chế độ cho con em của tỉnh đang theo học đại học hướng các đề tài tốt nghiệp giải quyết những vấn đề thực tiễn của địa phương đặt ra và yên tâm trở về phục vụ sau khi tốt nghiệp…

Sự chuyển hướng đầu tư như vậy tỏ ra khả thi hơn, bền vững lâu dài hơn, sẽ xuất hiện nhiều nhân tài đang tiềm ẩn ở địa phương, khắc phục được nhược điểm ăn xổi ở thì.

Tuyển chọn chính xác

Một điều quan tâm nữa là chúng ta phải đưa ra được các tiêu chí và tổ chức đánh giá cho đúng thế nào là nhân tài, người tài. Tôi đóng góp một số ý kiến có tính chất phác thảo để có một hệ thống sàng lọc hữu hiệu phát hiện nhân tài như sau:

Việc đầu tiên là phải có một hội đồng tuyển chọn đủ mạnh. Bên dưới hội đồng này là các tiểu hội đồng theo các chuyên ngành.

Thứ nữa, các địa phương ra các đầu bài, kêu gọi thầu tham gia đề ra các giải pháp (đề tài xử lý rác thải, giải quyết nạn kẹt xe, giao thông công cộng, thực hiện các yêu cầu về giảm tệ nạn...). Bước đầu chúng ta cũng có thể khoán sản phẩm, đấu thầu công trình, đề án cho cá nhân, tập thể. Kết quả “sản phẩm” là tiêu chí đánh giá người tài, trả thù lao thích đáng.

Tiếp đó, chúng ta thực hiện chế độ thi tuyển công khai các chức danh thông qua các đề án tự đề xuất của những người muốn tham gia dự tuyển...

Chú trọng chỉ số thông minh, cảm xúc cao

Ở xứ Tây, khi tuyển người vào các vị trí quan trọng, có danh, các loại "phụ tùng” xung quanh tên họ chỉ có giá trị tham khảo. Họ thường áp dụng tiêu chí đánh giá qua chỉ số thông minh IQ, chỉ số cảm xúc EQ để tuyển chọn nhân sự theo mong muốn. Thiết nghĩ chúng ta cũng nên bắt đầu làm quen “công nghệ mới”, bổ sung thêm cho hệ thống tuyển chọn nhân sự có tài. Bởi lẽ, trong thực tiễn quản lý, nhất là ở tầm hoạch định chính sách, nhiều vấn đề phát sinh không có trong sách vở, các thông lệ. Hơn nữa, công cuộc đổi mới cũng như cải cách hành chính và những vấn đề bức xúc của Nhà nước ta chưa có tiền lệ. Vì thế, nếu chỉ biết “nhai lại” mà chỉ số thông minh, chỉ số cảm xúc thấp thì khó có khả năng đề xuất giải quyết những vấn đề bức xúc có tính đột phá. Có chỉ số thông minh, chỉ số cảm xúc cao mới có điều kiện để năng động, sáng tạo...

DIỆP VĂN SƠN, Chuyên gia cải cách hành chính

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm