Gặp rủi ro khi mua tài sản đấu giá

Trường hợp “Khổ vì mua đấu giá đất” như báo Pháp Luật TP.HCM ngày 8-7 phản ánh không phải hiếm gặp. Có thực tế là việc mua nhà, đất qua đấu giá hiện khá phổ biến vì người mua tin tưởng thông qua cơ quan nhà nước sẽ chắc ăn hơn... Tuy nhiên, họ đã gặp không ít rủi ro.

Trước đây, tôi được ủy quyền khiếu nại một cơ quan thi hành án (THA) ở tỉnh Bình Phước vì chậm giao nhà đất trúng đấu giá. Theo đó, phía tôi mua nhà đất đã hơn một năm nhưng vẫn chưa nhận được tài sản. Qua làm việc, cán bộ phụ trách than thở rằng phía bị THA không hợp tác giao tài sản. Mỗi lần cơ quan THA xuống làm việc thì phía này khóc lóc xin cho được từ từ giao. Cán bộ làm dữ thì nơi đây dọa sẽ cho con cháu… chết. Cơ quan chức năng đang thuyết phục để việc giao nhà, đất được suôn sẻ, nếu căng nữa thì sẽ cưỡng chế.

Tôi cũng nói lại rằng phía tôi cũng khổ đủ đường vì đã đầu tư nhiều tiền bạc vào đây, giờ chưa nhận được tài sản thì vốn bị ngâm trong khi ngân hàng thúc lưng hằng tháng đòi lãi… Cán bộ THA ghi nhận điều này và hứa sẽ làm quyết liệt hơn. Thế nhưng, cũng phải hơn nửa năm sau chuyện của phía tôi mới giải quyết ổn thỏa.

Gặp rủi ro khi mua tài sản đấu giá ảnh 1

Một vụ cưỡng chế giao một phần nhà bán đấu giá. Ảnh minh họa: HTD

Có một trường hợp khác, người mua đấu giá cũng khổ không kém là vướng án giám đốc thẩm hủy án liên quan đến tài sản bán đấu giá để xử lại. Tôi có tham gia một vụ và thấy rằng chuyện sẽ rất phức tạp nếu tài sản đã bán đấu giá nhưng án lại bị hủy rồi tòa tuyên ngược lại so với những bản án trước.

Trước đó, một người thân của tôi mua một căn nhà qua bán đấu giá ở quận Bình Tân (TP.HCM). Đây là tài sản của ông A. được bán để THA trả nợ cho bà T. Việc mua bán đã xong, bên chúng tôi đã giao tiền chỉ còn chờ nhận nhà. Tuy nhiên, trong quá trình này, các đương sự lại nhận được thông báo, bản án giải quyết tranh chấp giữa ông A. và bà T. bị kháng nghị giám đốc thẩm, cần tạm đình chỉ THA đối với tài sản trên. Vậy là vụ mua bán của bên tôi tắc lại giữa chừng. Phải chờ đến hai năm sau, vụ án được xử lại nhưng may mắn là chỉ bị sửa về mặt tố tụng, còn nội dung tranh chấp được giữ nguyên nên việc bán đấu giá tài sản vẫn không có gì thay đổi.

Theo dõi vụ kiện tôi thấy rằng nếu nội dung vụ án bị thay đổi theo chiều hướng bà T. không đủ chứng cứ để đòi nợ ông A. hoặc chỉ đòi được số tiền ít hơn thì chuyện khắc phục các hậu quả là cực kỳ phức tạp. Bên mua nhà bán đấu giá đã giao tiền nhưng không nhận được nhà thì ai sẽ đứng ra bảo vệ quyền lợi của người mua trúng đấu giá, ai sẽ bồi thường số tiền bị chênh lệch giá mà phía này gánh chịu…? 

Ngoài những tình huống trên, thực tế người trúng đấu giá còn nhiều nỗi khổ khác mà báo chí cũng đã từng phản ánh. Ví dụ như trường hợp bị chủ cũ tái chiếm nhà, hay chủ cũ chây ì không chịu THA buộc phải trải qua quá trình cưỡng chế gian nan, phức tạp. Có trường hợp người bị THA quyết liệt khiếu nại việc bán đấu giá vì có sai sót… Những việc này đều khiến cho người trúng đấu giá vô tình bị “mắc ách giữa đàng” vì vụ việc phải ngưng lại để chờ giải quyết cho xong khiếu nại.

Phải có biện pháp bảo vệ người mua trúng tài sản đấu giá, đừng để họ nhọc nhằn chỉ vì cán bộ sai sót, tắc trách. Nếu cán bộ làm sai thì phải bồi thường cho người dân.

NGUYÊN HÀ (lyvanha1207@...)

Cần thận trọng khi quyết định giám đốc thẩm để tránh những hậu quả xấu nếu trước đó bản án đã được thi hành. Muốn vậy, ngay từ gốc, quan tòa phải xử án cho đúng pháp luật. Sai sót là không tránh khỏi nhưng không thể chấp nhận việc sai quá nhiều, làm ẩu gây sai...

TRẦN VỊNH (Đồng Nai)

Một thực tế là “người khổ vì mua đấu giá” có thể kiện cơ quan THA nếu gây thiệt hại cho mình. Tuy nhiên, được vạ thì má cũng sưng do mất quá nhiều thời gian, công sức, tiền của để đeo đuổi vụ việc.

Tunhan (nguyeaivan@...)

Luật sư NGUYỄN VĂN MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm