Gặp khó khi muốn lấy lại khai sinh gốc

Phản ánh với Pháp Luật TP.HCM, chị K. (phường 6, quận 4, TP.HCM) e dè: “Tôi không thể chịu được cảnh giấy khai sinh của mình không có tên cha mẹ ruột. Tôi nhờ báo khéo léo nêu tình huống của tôi để các cơ quan chức năng quan tâm hỗ trợ...”.

Từ có cha mẹ thành không

Chị K. cho biết trước đây vì hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ chị đã để chị làm con nuôi của một người thân trong gia đình. Việc cho nhận con nuôi này được phường cấp quyết định vào năm 2005. Chín năm trôi qua, thấy chị đã trưởng thành, các bên thống nhất chấm dứt việc nuôi con nuôi. Năm 2014, TAND quận 4 ra quyết định chấp thuận. Cũng theo tòa, quyết định công nhận nuôi con nuôi trước đó của UBND phường không còn giá trị pháp lý.

Khi có quyết định của tòa, chị liên hệ UBND phường xin lại giấy khai sinh cũ mang tên cha mẹ ruột nhưng phường không đồng ý. Theo phường, sau khi làm thủ tục nhận con nuôi, phường đã thu lại bản gốc giấy khai sinh cũ của chị (năm 1996) đồng thời cấp giấy khai sinh mới (năm 2009) thể hiện người mẹ nuôi là mẹ chị. Giờ phường không thể cấp lại giấy khai sinh cũ cho chị vì nó được lưu hồ sơ và không có giá trị sử dụng. Phường chỉ có thể cập nhật vào giấy khai sinh mới là quan hệ mẹ con giữa chị và mẹ nuôi đã chấm dứt theo quyết định của tòa. Như thế chị sẽ rơi vào tình trạng không cha mẹ.

Đang rối vì luật không quy định

Trước tình thế này, chị đã đi tư vấn khắp nơi nhưng ai cũng cho rằng cách giải quyết của phường là không sai. Việc xin lại giấy khai sinh gốc ban đầu của chị là không thể vì nó không còn giá trị pháp lý. Để xử lý vấn đề này thì hiện giờ luật đang... bỏ ngỏ.

“Vụ việc của tôi thật trớ trêu. Tôi không thể lấy khai sinh mới của mẹ nuôi, cũng không thể lấy lại khai sinh gốc của cha mẹ đẻ” - chị K. bộc bạch.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một số chuyên gia pháp lý về hộ tịch phân tích: Theo quy định, việc đăng ký nuôi con nuôi được tiến hành tại trụ sở UBND cấp xã và được ghi vào sổ đăng ký nuôi con nuôi, UBND cấp xã sẽ trao giấy chứng nhận nuôi con nuôi cho các bên. UBND cấp xã nơi đã đăng ký khai sinh cho trẻ em sẽ đăng ký khai sinh lại cho con nuôi và thu hồi giấy khai sinh cũ. Việc chấm dứt nuôi con được ghi vào sổ đăng ký việc nuôi con nuôi trước đây.

Cạnh đó, Luật Nuôi con nuôi quy định trừ trường hợp giữa cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi có thỏa thuận khác, kể từ ngày giao nhận con nuôi, cha mẹ đẻ không còn quyền, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng... đối với con đã cho làm con nuôi. Các quyền này sẽ được khôi phục khi việc nuôi con nuôi chấm dứt. Luật không nêu rõ cũng như không có hướng dẫn về việc khôi phục lại giấy khai sinh.

Như vậy, căn cứ vào các quy định liên quan, trường hợp của chị K. đang bị tắc.

Chúng tôi đã liên hệ phòng Hộ tịch Sở Tư pháp TP.HCM để trao đổi về vụ việc này. Nơi đây cho biết đang tập hợp các trường hợp như chị K. để trình Bộ Tư pháp xem xét tìm hướng giải quyết. Hiện vẫn chưa có đề xuất nào với các trường hợp như thế này cả.

Nên cho cải chính hộ tịch

Tôi đề xuất hướng giải quyết như thế này: Khi tòa tuyên bố chấm dứt việc nuôi con nuôi, phòng tư pháp cần cho phép đương sự làm thủ tục cải chính hộ tịch và đăng ký lại khai sinh mới, trong đó có nội dung thay đổi phần khai về cha mẹ đẻ trong giấy khai sinh. Để có căn cứ xin cải chính hộ tịch (nếu có thay đổi phần khai về cha mẹ), đương sự liên hệ với nơi đã làm khai sinh lần đầu để xin trích lục khai sinh gốc rồi nộp kèm theo hồ sơ để xin cải chính...

Luật sư NGUYỄN HỮU PHÚC, Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm