Ép người khác uống rượu, bia: Khó xử phạt

Trên mạng xã hội mấy ngày nay đang lan truyền một lá đơn cam kết tự nguyện ăn nhậu. Trong đơn có nêu họ tên, số CMND của những người cùng nhậu và dòng cam kết: “Chúng tôi đồng ý ăn nhậu cùng nhau trên tinh thần tự nguyện, không bị mời gọi hay ép buộc dưới bất kỳ hình thức nào…”.

Đó có thể là chuyện đùa nhưng cũng là lo ngại của nhiều người khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực từ ngày 1-1-2020 có quy định cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia.

Khó xác định được đâu là mời hay ép

Anh Vũ Tuấn Ngọc (TP Hà Nội), một người có thể được gọi là “dân nhậu” khi thường xuyên phải đi tiếp khách trong công ty, lo ngại tính khả thi của quy định trên.

“Một ví dụ đơn giản về một sự việc liên quan đến cuộc sống hằng ngày của tôi là đi tiếp khách cùng với sếp. Trong xã hội hiện nay và đặc biệt là tại các công ty tư nhân thì bạn có được sếp để ý hay không phụ thuộc vào mức độ hiểu sếp và “đỡ đạn” cho sếp. Có nhiều cách để thực hiện việc này nhưng một trong những cách nhanh nhất là phải biết nhậu cho dù có muốn hay không.

Thậm chí nhiều công ty hiện nay, ở nhiều vị trí, tiêu chí ưu tiên trong tuyển dụng là phải biết tiếp khách, biết uống bia, rượu (dù không viết ra bằng văn bản). Sếp gọi mình đi nhậu cùng là để tiếp khách, để “đỡ đạn”, trong bàn nhậu mời mà từ chối không uống thì kết quả sẽ ra sao, công việc sau này có được thuận lợi không khi hằng ngày vẫn phải lo cơm, áo, gạo, tiền? Thực tế có nhiều trường hợp không muốn cũng phải uống, không thể từ chối. Tuy nhiên, nói thật là rất khó để chứng minh rằng tôi bị ép uống. Khi cảm thấy bị ép uống đến mức buộc phải có lựa chọn khác thì tôi đi tìm việc khác, ở một môi trường khác không bia, rượu” - anh Ngọc chia sẻ.

Anh Nguyễn Quốc Cường (doanh nhân, TP.HCM) cũng lo ngại không biết ranh giới nào để xác định được là mời rượu hay ép rượu.

“Trong các cuộc nhậu người ta vẫn hay mời nhau rượu, bia, nếu không uống thì cho rằng chơi không nhiệt tình, thiếu tôn trọng. Chuyện ép uống cũng có dù không nhiều nhưng rất khó để xác định được. Nếu một người gọi là bị ép uống thì có can đảm đứng ra làm đơn tố giác không, có ai chịu làm chứng cho hay không. Không lẽ trước khi ăn nhậu, công việc đầu tiên là mọi người cùng làm đơn tự nguyện ăn nhậu, cam kết không tố giác về sau như lá đơn cam kết đang truyền trên mạng?” - anh Cường băn khoăn.

Uống rượu bia có văn hóa, không lôi kéo, ép nhau để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra. Ảnh: HỮU ĐĂNG

Thực hiện được nhưng cần quy định cụ thể

Xét về góc độ pháp luật, luật sư (LS) Từ Tiến Đạt (Đoàn LS TP.HCM) cho rằng quy định cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia là một quy định tiến bộ. Đặc biệt là lôi kéo, ép buộc những người chưa đủ 18 tuổi vì đây là độ tuổi chưa phát triển hoàn thiện về tâm sinh lý, chưa có năng lực hành vi dân sự đầy đủ nên rất dễ bị kích động, lôi kéo vào những thói quen xấu như uống rượu, bia.

Tuy nhiên, LS Đạt cũng lưu ý để quy định này được hiểu đúng, áp dụng đúng thì cần có những quy định cụ thể thế nào là xúi giục, thế nào là lôi kéo, thế nào là ép buộc uống bia, rượu, từ đó mới có căn cứ xử lý các hành vi vi phạm.

“Quy định cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia cũng rất khó để xử phạt nếu không quy định cụ thể. Ví dụ, trường hợp anh A tham gia tiệc nhậu, sau đó gây ra tai nạn hoặc bị ngộ độc mà nguyên nhân là do bị ông B ép uống. Như vậy nếu muốn xử lý thì phải có người làm chứng hoặc trích xuất camera, những hình ảnh, video trong bàn nhậu đó thì mới mong có căn cứ để xử lý trách nhiệm” - LS Đạt nói.

LS Lê Văn Bình (Đoàn LS TP.HCM) cũng đồng tình với quan điểm nên cấm hành vi xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia. Bởi việc mời nhau rượu, bia là không xấu, nó thể hiện tình cảm giữa hai bên. Tuy nhiên, uống với nhau sao cho văn minh, lịch sự để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra như ngộ độc, tai nạn…

“Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, trong đó có nội dung quy định về xử phạt đối với những hành vi này. Khi nghị định có hiệu lực sẽ giúp việc thực thi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia được tốt hơn” - LS Bình cho biết thêm.

Ép uống rượu, bia có thể bị phạt đến 3 triệu đồng

Theo đại diện Vụ Pháp chế Bộ Y tế, để Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia áp dụng có hiệu quả từ ngày bắt đầu có hiệu lực 1-1-2020, dự thảo nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế sắp được ban hành.

Dự thảo sẽ dành bảy điều quy định về mức phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm. Đơn cử một số mức phạt dự kiến như:

- Phạt tiền từ 500.000 tới 1 triệu đồng đối với người từ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia và hành vi xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu, bia.

- Phạt tiền 1-3 triệu đồng đối với hành vi ép buộc người khác uống rượu, bia.

- Phạt tiền tới 3 triệu đồng nếu bán rượu, bia cho người dưới 18 tuổi.

- Phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi sử dụng người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc quảng cáo rượu, bia.

- Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi quảng cáo rượu, bia có độ cồn dưới 5,5 độ có thông tin, hình ảnh nhằm khuyến khích uống rượu, bia; thông tin rượu, bia có tác dụng tạo sự trưởng thành, thành đạt, thân thiện, hấp dẫn về giới tính; hướng đến trẻ em, học sinh, sinh viên, thanh niên, phụ nữ mang thai…

HÀ PHƯỢNG 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Nỗi lo khi xài thẻ tín dụng

Nỗi lo khi xài thẻ tín dụng

(PLO)- Để tránh vướng nợ xấu khi sử dụng thẻ tín dụng, người dùng thẻ phải có kế hoạch chi tiêu thông minh, thanh toán nợ đúng hạn…