Được cho chuyển công tác rồi bắt bồi thường phí đào tạo

Bà Hoàng Thị Như Ái, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.HCM chuyển công tác về đơn vị mới thì cơ quan cử đi học trước đó lại yêu cầu bà phải bồi thường phí đào tạo.

Nơi buộc bồi thường, nơi không

Theo bà Ái, trước đây bà công tác tại một trạm y tế phường ở TP Biên Hòa, Đồng Nai. Năm 2008, bà được cơ quan cử tham gia khóa đào tạo bác sĩ tại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch với thời gian bốn năm. Hai năm học đầu phí đào tạo do UBND TP Biên Hòa cấp. Hai năm học sau trạm y tế nơi bà làm việc không còn thuộc UBND TP Biên Hòa mà chuyển về Trung tâm Y tế TP Biên Hòa thuộc Sở Y tế quản lý, vì thế kinh phí đi học do Sở này cấp.

Trước khi tham gia khóa học, bà Ái có viết cam kết sau khi kết thúc khóa học sẽ trở về cơ quan nơi cử đi học và chấp hành sự phân công công tác của Phòng Y tế TP Biên Hòa và cơ quan cấp trên.

Năm 2012, bà Ái hoàn thành khóa học và về trạm y tế tiếp tục công tác. Tuy nhiên, đến năm 2013 do chồng bà chuyển công tác về TP.HCM nên bà làm đơn xin chuyển công tác về một bệnh viện tại TP.HCM để ổn định gia đình. Bà được giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, giám đốc Trung tâm Y tế TP Biên Hòa ký quyết định chấp thuận cho chuyển công tác.

Sau khi chuyển công tác về TP.HCM, bà nhận được công văn yêu cầu bồi thường chi phí đào tạo hai năm học sau với số tiền hơn 70 triệu đồng của Trung tâm Y tế TP Biên Hòa. Đối với kinh phí đào tạo của hai năm học đầu, UBND TP Biên Hòa có công văn cho biết không thu vì cho rằng trường hợp của bà không thuộc trường hợp phải bồi thường kinh phí.

Một văn bản, hai cách hiểu

“Trong cùng hệ thống quản lý nhà nước mà mỗi cơ quan áp dụng khác nhau, nơi thì buộc phải bồi thường, nơi thì nói không phải bồi thường nên tôi thấy chưa hợp lý. Tôi có nộp đơn khiếu nại đến các cơ quan có thẩm quyền nhưng không được xem xét giải quyết” - bà Ái nói.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Văn Sửu, Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính, Trung tâm Y tế TP Biên Hòa, cho biết trung tâm dựa theo điểm c khoản 4 Điều 36 Nghị định 29/2012 là viên chức đã hoàn thành và được cấp bằng tốt nghiệp khóa học từ trình độ trung cấp trở lên nhưng chưa phục vụ đủ thời gian theo cam kết theo quy định là tám năm thì phải bồi thương kinh phí đào tạo. Ngoài ra, bà Ái không thuộc trường hợp không phải bồi thường chi phí đào tạo theo Thông tư 15/2012 của Bộ Nội vụ.

Điểm b khoản 2 Điều 16 Thông tư 15/2012 quy định một trong các trường hợp viên chức không phải bồi thường chi phí đào tạo là: “Viên chức chưa phục vụ đủ thời gian theo cam kết phải thuyên chuyển công tác được cơ quan có thẩm quyền đồng ý”. Chúng tôi đặt câu hỏi: “Thông tư đã quy định rõ ràng “phải thuyên chuyển công tác được cơ quan có thẩm quyền đồng ý”, nghĩa là bà Ái không phải bồi thường chi phí đào tạo mới đúng?”.

Ông Lê Văn Sửu, Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính, Trung tâm Y tế TP Biên Hòa, trả lời thật sự chính đơn vị cũng chưa hiểu rõ lắm cụm từ “phải thuyên chuyển công tác” ở đây được hiểu theo nghĩa nào, là do đơn vị buộc cá nhân đó phải chuyển công tác hay theo ý chí cá nhân người đó phải chuyển công tác. Ông Sửu cho biết sẽ xem xét lại vấn đề này.

Được cho chuyển công tác thì không phải bồi thường

Được cho chuyển công tác rồi bắt bồi thường phí đào tạo ảnh 2

Viên chức khi đã được đơn vị, tổ chức cử đi học, nâng cao kiến thức từ kinh phí của đơn vị nếu chuyển công tác về một nơi khác mà chưa đủ thời gian phục vụ theo cam kết tại đơn vị đã cử đi học thì có hai trường hợp xảy ra.

Trường hợp thứ nhất: Nếu viên chức có nguyện vọng chuyển đi nơi khác mà không được đơn vị cử đi học đồng ý cho chuyển nhưng viên chức tự ý chuyển thì trường hợp này được xem là tự ý bỏ việc. Theo điểm c khoản 4 Điều 36 của Nghị định 29/2012 quy định cụ thể: Viên chức đã hoàn thành và được cấp bằng tốt nghiệp khóa học từ trình độ trung cấp trở lên nhưng chưa phục vụ đủ thời gian theo cam kết với thời gian ít nhất gấp hai lần thời gian đào tạo thì phải bồi thường kinh phí đào tạo.

Trường hợp thứ hai: Viên chức trong quá trình chuyển công tác đi nơi khác mà được tổ chức cử đi học đồng ý bằng văn bản thì không phải bồi thường kinh phí. Bởi theo điểm b khoản 2 Điều 16 Thông tư 15/2012 quy định một trong các trường hợp viên chức không phải bồi thường chi phí đào tạo là: “Viên chức chưa phục vụ đủ thời gian theo cam kết phải thuyên chuyển công tác được cơ quan có thẩm quyền đồng ý”. Việc xin chuyển công tác của viên chức mà được đơn vị quản lý đồng ý cho đi thì viên chức hoàn toàn không vi phạm nên không bồi thường là lẽ đương nhiên.

TS CAO VŨ MINH, giảng viên Luật hành chính
Trường ĐH Luật TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm