Đừng vì va quẹt xe mà thành án mạng

Có lần tôi nghe chị hàng xóm kể khi chạy xe trên đường, có xảy ra va quẹt, chưa biết ai đúng ai sai nhưng chị bảo cứ la toáng lên kiểu “phủ đầu” cho chắc. Như thế sẽ tránh được chuyện phiền phức hoặc ít ra cũng chứng minh là mình chạy xe đúng luật (?!).

Chạy xe trên đường đi làm mỗi ngày, tôi từng chứng kiến rất nhiều vụ va quẹt xe máy giữa những người tham gia giao thông, tôi thấy hầu hết khi xảy ra va quẹt nhỏ thường dẫn đến cãi vã lớn tiếng, bởi ai cũng cố cãi cho bằng được vì cho rằng mình chạy đúng luật. Có lần tôi tận mắt nhìn thấy một người đàn ông chạy xe máy lấn tuyến, sai làn trên đường Lý Thường Kiệt, quận Tân Bình (TP.HCM) rồi va quẹt người phụ nữ đang chở con nhỏ đi học về khiến chị này té xuống đường. Vậy mà người thanh niên sau đó lại “cãi chày cãi cối” cho rằng người phụ nữ chở con thiếu quan sát. Nhiều người đi đường tỏ ra bức xúc.

Cần nhường nhịn với nhau khi va quẹt xe để giải quyết một cách êm đẹp, có văn hóa. Ảnh: HTD

Cách đây chưa lâu tôi chứng kiến vụ va quẹt tại ngã tư Âu Cơ-Lạc Long Quân (quận Tân Bình, TP.HCM). Sau tiếng va chạm, hai chiếc xe máy ngã ra đường, hai người thanh niên chẳng nói chẳng rằng xông vào nhau “giáp lá cà” đến sứt đầu mẻ trán. Người phụ nữ đi theo cùng cố dùng sức lôi kéo người thanh niên đang hăng máu đuổi theo người thanh niên kia để tiếp tục đánh. Đứa trẻ năm, sáu tuổi mặt tái mét chứng kiến cảnh người thân của mình hành động bạo lực ngay trên đường phố. 

Lần khác, khi đi làm về trên đường Lạc Long Quân, quận Tân Bình, mặc dù đã quan sát và xi-nhan qua đường nhưng bất ngờ tôi bị một thanh niên chạy nhanh vượt ẩu tông mạnh vào sau xe làm tôi ngã sóng soài ra đường. Người này có mùi rượu bia nồng nặc. Anh ta không xin lỗi mà còn sừng sộ và thách thức tôi cứ việc gọi CSGT đến làm việc. Vì vào giờ tan tầm, người xe tấp nập, sợ gây ách tắc giao thông nên tôi đành ngậm cục tức mà bỏ qua. Hậu quả sau đó tôi phải tốn tiền để thay thế đèn trước bị bể...

Tôi nghĩ khi tham gia giao thông, nếu có xảy ra va chạm nhỏ, đôi bên cần hết sức bình tĩnh và nhường nhịn với nhau để giải quyết một cách êm đẹp, có văn hóa, có tình có lý với nhau. Đó là văn hóa tối thiểu khi tham gia giao thông. Nếu hai bên không ai nhường ai thì cách tốt nhất nên gọi CSGT đến giải quyết, tránh chuyện dùng lời lẽ nặng nề, xúc phạm, dẫn đến đánh nhau sứt đầu mẻ trán, có khi dẫn tới án mạng.

Đã từng có vụ chỉ vì va quẹt xe nhẹ mà dẫn đến án mạng khiến người chết, kẻ vào tù. Vì vậy có lẽ chúng ta nên nhẫn nhịn, “một câu nhịn, chín câu lành” để khỏi xảy ra điều đáng tiếc.

Ngoài ra, khi có va chạm giao thông, nếu lực lượng CSGT có mặt kịp thời tại hiện trường phân xử thì sẽ tránh những chuyện đáng tiếc, đau lòng xảy ra.

NGUYỄN ĐƯỚC (136/1 Trần Phú, quận 5, TP.HCM) 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

(PLO)- Chủ nuôi chó, mèo phải đáp ứng điều kiện nuôi để chính quyền dễ quản lý, giảm tình trạng một nhà nuôi số lượng lớn làm ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh.