Đừng để nắm luật lại làm sai

Đọc bài “Thi hành án can thiệp trái luật” (Pháp Luật TP.HCMngày 2-6) tôi có một vài suy nghĩ. Căn cứ vào những nội dung báo phản ánh thì có thể thấy rằng không chỉ cơ quan thi hành án (THA) sai sót mà ngay cả Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất (ĐKQSDĐ) thị xã Gò Công cũng hành xử không đúng.

Điểm thứ nhất, tôi đồng tình với các ý kiến nhận định là bản án tranh chấp nợ nần giữa vợ chồng ông Nguyễn Văn Nghĩa và bà Ngô Thị Lương đó chưa có hiệu lực pháp luật thì cơ quan THA không có thẩm quyền can thiệp. Thẩm quyền xem xét áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời lúc này (nếu một bên đương sự có yêu cầu) thuộc về tòa cấp phúc thẩm sau khi tòa này đã thụ lý. Việc cơ quan THA dân sự ra công văn yêu cầu Văn phòng ĐKQSDĐ ngăn chặn giao dịch của đương sự là sai thẩm quyền, không có cơ sở pháp lý.

Điểm thứ hai, mặc dù Văn phòng ĐKQSDĐ không chính thức ra quyết định ngăn chặn nhưng đã làm theo yêu cầu của Chi cục THA thì vẫn cho thấy cơ quan này cũng không đúng. Bởi như phân tích ở trên, cơ quan THA chưa có quyền ra công văn ngăn chặn thì văn phòng không thể làm theo công văn này.

Qua đây tôi muốn nói đến cách hành xử của những người có thẩm quyền trong việc thực thi pháp luật. Rõ ràng khi được đặt vào những vị trí trên, người cán bộ phải có những năng lực, trình độ, sự hiểu biết pháp luật một cách nhất định để đảm đương công tác. Với vụ việc trên, không khó để các cán bộ phụ trách biết trường hợp này, luật quy định cán bộ thực thi nhiệm vụ phải làm, không được làm gì. Ấy vậy mà không hiểu sao phía THA lại có công văn đi trước tòa như thế.

Đáng phàn nàn hơn là khi nhận được công văn của cơ quan THA, Văn phòng ĐKQSDĐ lại không phản biện, phản hồi để kịp thời ngăn chặn việc làm trái luật. Nếu như phía này mạnh dạn đấu tranh, trao đổi thì chắc chắn sẽ không làm theo yêu cầu của cơ quan THA. Lúc đó thì cái sai sẽ không có cơ hội gây ra những hậu quả đáng tiếc tiếp theo.

Trong vụ trên, nếu loại bỏ giả thuyết có tiêu cực thì tôi đề nghị phải xem xét lại năng lực cán bộ. Còn có tiêu cực thì các cơ quan liên quan phải vào cuộc làm rõ.

Cuối cùng theo tôi, các cơ quan thực thi pháp luật có sự độc lập nhất định trong cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ… nhưng chung quy định lại đều hướng đến việc bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa. Pháp luật phải được vận dụng một cách thống nhất và ở đó, các cơ quan thi hành pháp luật không được có những quan điểm mâu thuẫn, thiếu thống nhất. Khi làm nhiệm vụ, họ còn có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn những sai sót của các cơ quan liên quan bằng cách kiến nghị, đề nghị hoặc trao đổi… nhằm làm sao việc áp dụng pháp luật được đúng đắn nhất. Trong một số tình huống nhất định, anh không thể nói vì anh A. bắt làm vậy nên tôi phải làm theo. Nếu các cơ quan công quyền không vị nể, kiêng dè, thẳng thắn chỉ ra cái sai của nhau để cùng làm tốt công tác thì các quyền lợi hợp pháp của người dân mới được bảo đảm trên thực tế.

Luật sư NGUYỄN THỊ TUYẾT MAI

 

Làm rõ để chỉ ra người chịu trách nhiệm

Án chưa có hiệu lực thi hành làm gì cơ quan THA dân sự được áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Luật THA dân sự, luật tố tụng dân sự đều quy định rõ không lẽ chấp hành viên này không thông qua trường lớp đào tạo nên mới có việc làm trái pháp luật như vậy. Án sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị thì người yêu cầu phải làm đơn gửi tòa phúc thẩm xem xét, nếu được chấp nhận phải đóng một khoản tiền tương ứng gửi với tài sản bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì sau đó tòa mới ra quyết định. Chưa có phán quyết của tòa phúc thẩm, chấp hành viên làm việc này gây thiệt hại cho đương sự thì ai là người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại? Đằng sau vụ việc làm trái này là gì, chắc phải nhờ đến cơ quan chức năng làm rõ…

T.LANH (TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm