Đừng để cán bộ rảnh việc, ngồi quán...

Đọc bài “Bố trí lãnh đạo ngoài địa phương để hạn chế quan hệ họ hàng” trên Pháp Luật TP.HCM ngày 22-8, tôi rất ủng hộ quan điểm này.

Qua thực tế tiếp xúc một số nơi, tôi nhận thấy đúng là nếu lãnh đạo một số cơ quan là người địa phương thì thường xảy ra tình trạng cục bộ kéo người thân, người quen cùng vào làm vây cánh với mình. Nhìn đâu cũng thấy người quen rồi sinh ra nể nang, gói ghém công việc như ở nhà chứ không phải làm việc một cách chuyên nghiệp. Chưa kể, người địa phương thường cậy “gần nhà” nên cho mình có quyền ra oai, hét ra lửa. Tôi cho rằng cách làm việc như vậy sẽ khiến cho hoạt động công vụ kém năng động. Người dân nhìn vào sẽ giảm lòng tin vào thái độ làm việc công tâm của lãnh đạo.

Một điểm tôi suy nghĩ là hiện nay, một bộ phận cán bộ chúng ta chưa hết lòng vì công việc. Quán nhậu, quán cà phê thì lúc nào cũng có khách từ sáng đến tối, trong đó có không ít cán bộ, công chức nên năng suất lao động chung rất thấp.

Nguyên nhân thì có nhiều nhưng cũng có thể kể ra một vài lý do sau; rỗi việc, nói nôm na là không có việc để làm vì bản chất loại công việc đó chỉ cần một người là có thể làm xong, nay lại bố trí ba, bốn người thì phải chia nhau mà cùng làm. Tâm lý tiền nào của đó, lương ba cọc ba đồng thì cán bộ làm nhiêu đó là đủ, việc lên chức đôi khi không phải từ năng lực mà từ tửu lượng. Tâm lý ỷ lại, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức vì vào được thì khó, ra thì khó hơn. Mà khi rảnh rỗi thì “than” trách đổ thừa cho xã hội, rồi đi học để tìm thêm một cái bằng chứ không phải do nhu cầu của công việc để nhằm thay đổi cuộc sống hiện tại. Nhưng học không ứng dụng cũng như không.

Giải quyết thủ tục hành chính nhanh gọn luôn được người dân hài lòng. Ảnh minh họa: HTD

Theo tôi, song song với việc bố trí lãnh đạo ngoài địa phương thì cần phải nâng chất cán bộ, tránh tình trạng công chức sáng cắp ô đi chiều cắp ô về, rảnh việc như trên để góp phần đổi mới cán bộ, tránh được sự trì trệ, bảo thủ của cán bộ…

Vừa qua tôi thấy ngành tòa án cũng đã làm tốt điều này như điều động một số cán bộ đi tăng cường cho các địa phương khác. Hiện tôi cũng được biết một số cán bộ cơ quan thi hành án TP.HCM cũng đi biệt phái ở các tỉnh Đông Nam Bộ. Đây có thể chưa là những cán bộ lãnh đạo chủ chốt nhưng ít nhiều cũng sẽ thổi luồng gió mới vào hoạt động của một số cơ quan có cán bộ tăng cường, đưa chất lượng giải quyết các vụ việc cũng sẽ tăng lên. Một số bạn bè tôi đánh giá là cán bộ ở TP xuống có kỹ năng làm việc tốt, xử lý tình huống nhanh, hỗ trợ rất nhiều cho địa phương. Cán bộ địa phương học hỏi được rất nhiều cách làm việc của cán bộ ở TP.

LS NGUYỄN VĂN MINH, Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng có quá nhiều họ hàng trong cơ quan

Nhiều bạn đọc khác của Pháp Luật TP.HCM cũng đồng tình với ý kiến này.

Bạn đọc Lê Thị Lệ cho rằng cấp trưởng không phải là người địa phương là rất đúng. Thêm quy định nữa là trong phạm vi cơ quan không có hai người quan hệ họ hàng ba thế hệ làm chung. Đây là quy định của Malaysia đó và có hiệu quả nhất định rồi.

Bạn đọc tong van dat góp ý thêm, chủ trương thì đúng nhưng cũng nên xem xét lại thời gian giữ chức vụ. Có thể nên quy định thời gian dài hơn. Vì làm công tác lãnh đạo phải sâu sát gần dân để lắng nghe, nắm bắt nguyện vọng của dân thì mới thực hiện tốt nhiệm vụ. Chưa làm việc với dân lâu mà đã luân chuyển rồi thì mục đích sẽ không đạt được.

Cũng ý này, bạn đọc NWM mong muốn có thêm một cơ chế hành chính tốt và nghiêm. Có như vậy thì sẽ kềm giữ mọi sai phạm cá nhân. Nâng cao trình độ chuyên môn sẽ làm cho người ta không ăn vặt, ăn thừa, ăn bẩn… Say mê công việc thì tinh thần trách nhiệm và đạo đức được nâng cao.

PV ̉ng hợp

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm