Đưa túi nylon tự hủy ra chợ

Đưa túi nylon thân thiện tự phân hủy ra chợ, phân loại rác để tái chế là những dự án mang lại hiệu quả cao trong việc bảo vệ môi trường.

Hiện nay túi nylon sinh học tự hủy đã có mặt ở nhiều chợ truyền thống như chợ Bà Chiểu, chợ Tân Định, chợ Nguyễn Tri Phương, chợ Hiệp Tân… Túi này dùng một lần và sẽ tự phân hủy, thân thiện với môi trường.

Đưa túi nylon thân thiện ra chợ

Chị Hà, một tiểu thương ở chợ Bà Chiểu cho hay: “Dùng túi nylon truyền thống quen rồi, khi được chào hàng lấy túi nylon sinh học tự hủy là tôi từ chối ngay vì giá thành cao hơn chút xíu. Nhưng thấy người bán kiên trì giải thích về tác hại của túi nylon dùng một lần khó phân hủy, gây hại môi trường nên tôi cũng đã mua dùng thử túi tự phân hủy. Khách mua hàng khi được tôi giới thiệu thì họ cũng ưng ý lắm, có vẻ quý cửa hàng của mình hơn”.

Trong một lần tình cờ, bà Phan Thị Thúy Phượng (Giám đốc Công ty TNHH TM-SX-XNK bao bì thân thiện môi trường Phương Lan) đọc thấy thông tin về tác hại kinh khủng của túi nylon không phân hủy nên muốn tìm ra sản phẩm thay thế, bớt gây hại cho môi trường.

Khoảng đầu năm 2014, bà Phượng biết mình mang trong người căn bệnh ung thư. “Mơ màng trên bàn mổ, tôi vẫn nghĩ đến việc làm túi nylon tự hủy, có thể do thời gian trước đó tôi nghĩ quá nhiều về chuyện này. Sau đó bác sĩ còn đùa với tôi là nhờ suy nghĩ đó mà Diêm Vương trả tôi về” - bà Phượng kể.

Sau khi mổ, năm 2017 bà Phượng kiên trì đến các chợ tuyên truyền cho tiểu thương sử dụng túi nylon thân thiện để thay thế túi nylon sử dụng một lần. Ai mua 1-2 ký bà cũng giao vì bà nghĩ với sự kiên trì đó, lâu dần mọi người sẽ tin dùng.

“Nhiều lúc tôi cũng muốn bỏ cuộc vì tình hình kinh tế gia đình nhưng mỗi khi ra đường thấy ô nhiễm rác thải nhiều quá, tôi lại tiếp tục xách giỏ ra chợ và tuyên truyền” - bà Phượng chia sẻ.

Với sự hỗ trợ của Hội Liên hiệp Phụ nữ TP và ban quản lý các chợ nên số lượng túi nylon tự hủy đã có mặt tại rất nhiều chợ ở TP.HCM.

Bà Phan Thị Thúy Phượng (bên trái) giới thiệu túi nylon thân thiện ra môi trường. Ảnh: NC

Nhóm NHC hướng dẫn các em học sinh phân loại vỏ hộp sữa. Ảnh: NC

Đến trường thu gom vỏ hộp sữa

Một dự án bảo vệ môi trường khác đang được Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM phối hợp thực hiện là dự án “Hành trình giải cứu rác chết” của nhóm NHC (Người hiểu chuyện). Nhóm đã tổ chức chương trình thu gom vỏ hộp sữa tại các trường tiểu học, trường mầm non, các cửa hàng nước uống,…

Một trong những lý do nhóm chọn thu gom vỏ hộp sữa là vì hầu hết trẻ em đều uống sữa, số lượng vỏ hộp sữa xả ra môi trường mỗi ngày là rất lớn.

“Nhóm chúng tôi chọn đối tượng chủ yếu là trẻ em vì trẻ em là những mầm non, là những trang giấy trắng. Từ loại rác đơn giản nhất hằng ngày các em thải bỏ, các em học cách phân loại rác và biết thế nào là tái chế rác để bảo vệ môi trường”.

Em Vũ Hà Quốc An (học lớp 3.1, Trường Tiểu học Giồng Ông Tố, quận 2) cho biết qua những lần gom vỏ hộp sữa cho chương trình, em đã biết tác hại của việc xả rác bừa bãi, biết phân loại rác ở nhà, ý thức hơn về việc bảo vệ môi trường.

Anh Phan Văn Chí Thiện, người điều phối dự án, chia sẻ: “Nguồn thu hiện tại của nhóm vẫn chưa đủ để chi phí. Tuy nhiên, có vài lần tới các trường, thấy một số bạn nhỏ sắp gọn gàng vỏ hộp sữa để thu gom. Rồi nghe nhiều phụ huynh kể là về nhà các em hướng dẫn phụ huynh phân loại rác như cách chúng tôi hướng dẫn. Hiệu quả này khó đong đếm được”.

Thành lập từ tháng 9-2018, đến nay nhóm đã tổ chức tại hầu hết các quận, huyện ở TP.HCM với sự tham gia của hàng trăm trường, hàng ngàn giáo viên và học sinh.

Lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường

Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM là một trong những đơn vị hưởng ứng rất tốt trong phong trào chống rác thải nhựa. Việc đưa túi nylon thân thiện ra chợ của bà Phượng cũng như dự án “Hành trình giải cứu rác chết” hiện nay được hội phối hợp để thực hiện. Đây là những chương trình được hội đánh giá cao.

Bà Cổ Tấn Mỹ Dung, Trưởng ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM, cho biết hiện nay cả dự án của bà Phượng và của nhóm NHC mặc dù vẫn chưa có lợi nhuận nhưng với sự nhiệt huyết và lòng yêu môi trường, những dự án này hiện nay cũng đã lan tỏa và làm cho ý thức bảo vệ môi trường, phân loại rác của một bộ phận người dân được nâng cao. Một số quận cũng đã phối hợp tuyên truyền cho người dân thực hiện. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm