Điều kiện nhận hỗ trợ khi mất việc mùa dịch

Ngày 24-4, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 15/2020 quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành. Các chế độ quy định tại quyết định này được áp dụng từ ngày 1-4-2020.

Liên quan đến quy định về hỗ trợ người lao động (NLĐ) tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không lương, một số bạn đọc thắc mắc mức hỗ trợ ra sao, thủ tục nhận hỗ trợ sẽ được thực hiện như thế nào…

Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với luật sư Lê Văn Hoan (ảnh), Đoàn Luật sư TP.HCM, để làm rõ thông tin.

Người lao động phải đáp ứng ba điều kiện

. Phóng viên: NLĐ phải đáp ứng điều kiện nào mới được nhận mức hỗ trợ khó khăn trong mùa dịch COVID-19, thưa luật sư?

+ Luật sư Lê Văn Hoan: Theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ, để được hỗ trợ thì người NLĐ phải có đủ ba điều kiện:

Thứ nhất, thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động là từ một tháng liên tục trở lên tính từ ngày 1-4-2020 đến hết ngày 30-6-2020. Thời điểm bắt đầu tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ ngày 1-4-2020 đến 1-6-2020.

Thứ hai, NLĐ đang tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc tính đến thời điểm ngay trước khi tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương.

Thứ ba, NLĐ làm việc tại các doanh nghiệp (DN) không có doanh thu hoặc không còn nguồn tài chính để trả lương do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

. Mức hỗ trợ cho NLĐ tạm hoãn hoặc nghỉ việc không lương do ảnh hưởng của đại dịch như thế nào?

+ Theo Nghị quyết 42/2020 của Thủ tướng Chính phủ thì NLĐ làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ một tháng trở lên do các DN gặp khó khăn bởi đại dịch thì được hỗ trợ với mức 1,8 triệu đồng/người/tháng.

Thời gian hỗ trợ theo thời gian thực tế tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch, tính từ ngày 1-4 và không quá ba tháng.

Người dân làm thủ tục tại BHXH TP.HCM. (Ảnh chụp trước thời điểm người dân buộc phải đeo khẩu trang nơi đông người)Ảnh: HOÀNG GIANG

Giải quyết trong tám ngày làm việc

. Thủ tục để NLĐ nhận hỗ trợ trong mùa dịch được quy định ra sao?

+ Tại Điều 2 Quyết định 15/2020 quy định như sau:

Các DN lập danh sách người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ không hưởng lương bảo đảm điều kiện được hỗ trợ như trên đề nghị tổ chức công đoàn cơ sở (nếu có) và cơ quan BHXH xác nhận danh sách này.

 Trong ba ngày làm việc kể từ ngày nhận được danh sách theo đề nghị của DN, cơ quan BHXH xác nhận việc tham gia BHXH của NLĐ và gửi cho DN.

Tiếp đó, DN gửi hồ sơ đề nghị đến UBND cấp huyện nơi đặt trụ sở. Trong ba ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, UBND cấp huyện thẩm định, trình chủ tịch UBND cấp tỉnh.

Trong hai ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ; đồng thời chỉ đạo thực hiện chi trả hỗ trợ.

Như vậy, thời gian mà các cơ quan có thẩm quyền giải quyết kể từ ngày nhận được danh sách từ DN là không quá tám ngày làm việc.

. Xin cám ơn ông.

Thủ tục doanh nghiệp lập danh sách NLĐ được hỗ trợ

Ngày 28-4, BHXH TP.HCM đã có văn bản hướng dẫn thủ tục xác nhận danh sách NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương do DN gặp khó khăn trong mùa dịch.

Theo đó, để thực hiện chính sách kịp thời, các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn TP.HCM nếu có NLĐ đủ điều kiện nhận hỗ trợ theo quy định thì liên hệ cơ quan BHXH để được cung cấp dữ liệu danh sách NLĐ nghỉ việc không hưởng lương do cơ quan BHXH đang quản lý.

Sau đó, căn cứ vào dữ liệu mà BHXH cung cấp, các đơn vị lập danh sách NLĐ theo mẫu, in hai bản gửi về cơ quan BHXH đang quản lý qua đường bưu điện, file dữ liệu danh sách gửi qua địa chỉ mail hoặc Zalo của chuyên viên quản thu quản lý đơn vị.

Trong vòng hai ngày kể từ ngày nhận danh sách của đơn vị gửi, cơ quan BHXH sẽ đối chiếu với dữ liệu NLĐ nghỉ không lương để xác nhận danh sách mà đơn vị gửi. Sau đó, cơ quan BHXH sẽ chuyển trả cho đơn vị một bản, còn một bản lưu để đối chiếu. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm