Đi bộ sai luật có thể bị ngồi tù

Vi phạm tràn lan

Theo Bộ luật Hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2018) quy định về tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" không chỉ người sử dụng phương tiện tham gia giao thông mà cả người đi bộ. Cụ thể, nếu người đi bộ băng qua đường (là nguyên nhân chính) dẫn đến tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng theo khoản 3 điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 thì có thể đối diện với việc bị phạt tù cao nhất là 15 năm.

Theo ghi nhận của PV tại các tuyến đường ở TP.HCM, ngày 2-1-2018, có rất nhiều người đi bộ cố tình băng ngang qua đường hay vô tư đi dưới lòng đường. Tiêu biểu phải kể đến các tuyến đường chính, có lưu lượng xe lớn như Phạm Văn Đồng, xa lộ Hà Nội, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Nơ Trang Long, có rất nhiều người băng qua đường trái quy định mặc kệ trên tuyến đường đó có cầu vượt dành cho người đi bộ hay không.

Nhiều sinh viên ở Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng vô tư băng sang đường. ẢNH ĐÀO TRANG.

Trong vòng 10 phút tại đường Paster, đoạn Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng có hàng trăm lượt sinh viên băng sang bên đường, mặc kệ hàng loạt xe máy, ô tô đang di chuyển với tộc độ lớn.

Khi PV hỏi vì sao không đi vào phần đường dành cho người đi bộ thì đa số mọi người đều cho rằng “vì tiện đường” và “không mất thời gian”.

Anh Hoàng Trung, sinh viên Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, cho biết: “Đến nay tôi vẫn chưa nghe đến việc người đi bộ mà gây tai nạn giao thông có thể bị xử lý hình sự. Đi bộ sao mà gây tai nạn được. Ở đây có rất nhiều người cứ băng qua đường vì tiện và cho nhanh”.

Tương tự, ở đường Điện Biên Phủ, đoạn gần cầu Văn Thánh, rất nhiều người đi bộ băng ngang qua đường rất phổ biến. Chủ yếu những người này là sinh viên và thường xuyên qua đường để đón xe buýt tại 2 trạm dừng đối diện nhau. Thực tế, đường Điện Biên Phủ khu vực này khá rộng, lượng xe ô tô lưu thông lớn và có tốc độ cao nên nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông là rất lớn.

Không biết luật áp dụng luật cho người đi bộ

Tình trạng vi phạm này thể hiện rõ hơn là ở phố đi bộ Nguyễn Huệ. Trong khi, cứ 30m lại có vạch đường dành cho người đi bộ, thế nhưng không ai đi đúng vạch và cứ “tiện đường” là họ băng qua.

Nhiều người vô tư băng sang đường tại phố đi bộ Nguyễn Huệ. ẢNH ĐÀO TRANG.

Ông Nguyễn Xuân Trang, đang làm việc tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, chia sẻ: “Lần đầu tiên tôi nghe thấy việc đi bộ mà gây tai nạn nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự. Tôi vẫn thường băng qua đường ở khu vực phố đi bộ, bởi ở đây lưu lượng xe ít, nhiều lúc trên đường có khoảng trống thì tôi băng qua hay cái chính cũng vì “tiện đường”. Không chỉ vậy, tại đây, lượng lớn xe máy, ô tô vượt đèn đỏ mà không bị xử phạt thì người đi bộ sao bị phạt được”.

Ông Nguyễn Văn Tín, người dân thường xuyên tập thể dục ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, cho biết: “Ở đây có rất nhiều người băng qua đường vì tiện. Tôi nghĩ rằng họ không nghĩ được sự nguy hiểm khi băng qua đường như vậy. Luật mới áp dụng cả cho người đi bộ nhưng thực sự không phải ai cũng biết và không phải ai cũng tuân thủ những quy định này. Theo tôi, việc xử nặng người đi bộ sai luật là hoàn toàn hợp lý”.

Bình đẳng trước pháp luật và cần xác định đúng lỗi

Luật sư Đặng Thành Trí, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết: “Theo tôi việc xử nặng người đi bộ sai luật là hoàn toàn hợp lý, vì tất cả những người tham gia giao thông phải được bình đẳng trước pháp luật. Vì vậy, tất cả những người tham gia giao thông đường bộ đều phải được bình đẳng như nhau trước pháp luật, nếu ai gây ra hậu quả thì đều bị xử lý như nhau.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay vẫn còn nhiều vỉa hè bị lấn chiếm khiến người đi bộ buộc phải đi xuống lòng đường. Lúc này, các cơ quan quản lý cần phải xem xét và xác định đúng lỗi của những người tham gia giao thông. Không chỉ vậy, việc xác định lỗi của người đi bộ trong các trường hợp giao thông hỗn hợp là khá phức tạp, có phải là nguyên nhân chính gây ra hậu quả nghiêm trọng, từ đó mới có căn cứ để buộc tội”.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

(PLO)- Chủ nuôi chó, mèo phải đáp ứng điều kiện nuôi để chính quyền dễ quản lý, giảm tình trạng một nhà nuôi số lượng lớn làm ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh.