Đề xuất nhiều quyền lợi cho người trẻ kết hôn, sinh con

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 588 phê duyệt “Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030”. Trong đó có nội dung khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi và sớm sinh con.

Ghi nhận của Pháp Luật TP.HCM cho thấy nội dung trên được nhiều người hưởng ứng.

Muốn có con sớm nhưng kẹt tiền

Làm cho doanh nghiệp sản xuất giày tại TP.HCM gần 10 năm, chị Hạnh (32 tuổi, ở Long An) chưa dành dụm được nhiều cho dù chi tiêu rất căn cơ.

“Thu nhập tính luôn tăng ca mỗi tháng tầm 7 triệu đồng. Trừ tiền thuê nhà, ăn uống, điện nước, phụ giúp ba má…, mỗi tháng tôi còn dư tầm 3 triệu đồng” - chị Hạnh nói.

Thế nhưng số tiền 3 triệu đồng cũng vơi dần cho những chi tiêu lặt vặt như mua này sắm nọ, tiệc tùng, thuốc men… Do vậy, số tiền chị Hạnh dành dụm không đáng là bao.

“Lập gia đình rồi sinh con. Đang ở nhà thuê, tiền bạc ít ỏi nên khó đảm bảo cho con có cuộc sống đầy đủ. Chưa nói tới việc sinh con xong dễ mất chỗ làm. Vì vậy, tôi vẫn chưa nghĩ tới chuyện chồng con” - chị Hạnh nói thêm.

Tương tự, đến giờ anh Minh (31 tuổi, ở TP.HCM) vẫn một mình lẻ bóng vì tiền lương công nhân ngành may chỉ đủ chi tiêu và phụ chút ít cho gia đình.

Nhà có ba anh em, sống cùng cha mẹ trong căn nhà nhỏ nên anh Minh không dám nghĩ tới chuyện vợ con. “Nhà chật nhưng không dám thuê ngoài vì phải mất khoản tiền trong phần thu nhập ít ỏi. Rồi tiền nuôi con, tiền thuốc thang khi con đau ốm, tiền học phí khi con tới trường…, đủ thứ phải lo trong khi thu nhập khiêm tốn. Mẹ cũng hối có vợ con nhưng rơi vào hoàn cảnh như tôi đành chịu. Nếu Nhà nước có chương trình hỗ trợ để khuyến khích lập gia đình sớm thì đỡ biết mấy” - anh Minh chia sẻ.

Các em nhỏ đang chơi các trò chơi dân gian tại một ngày hội ở quận 7, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Đề xuất nhiều chương trình hỗ trợ

“Thực tế cho thấy kết hôn trễ, sinh con muộn, sinh ít con hoặc không muốn sinh con có xu hướng gia tăng do áp lực cuộc sống và công việc” - bà Phạm Thị Mỹ Lệ, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, cho biết.

“Bên cạnh đó, việc nuôi dạy, chăm sóc con cái hiện nay đòi hỏi rất nhiều chi phí như ăn uống, học hành, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí…, điều này cũng dẫn đến tình trạng sinh ít con và nhiều người chọn sinh một con.

Những nguyên nhân này góp phần dẫn đến tình trạng mức sinh thấp trên địa bàn TP” - bà Lệ chia sẻ thêm.

Để khuyến khích nam, nữ trên địa bàn TP.HCM lập gia đình trước 30 tuổi, sớm sinh con và sinh đủ hai con, bà Lệ đề xuất hỗ trợ miễn hoặc giảm toàn bộ viện phí sinh con lần hai đối với vợ chồng có hộ khẩu thường trú ở TP.HCM.

“Bên cạnh đó, tôi đề xuất cung cấp các gói ưu tiên hỗ trợ vay, mua hoặc thuê nhà xã hội cho những cặp vợ chồng sinh đủ hai con. Ngoài ra, nên miễn hoặc giảm chi phí giáo dục cho trẻ dưới 10 tuổi (ngoài nội dung đã hỗ trợ về định mức học phí của TP, đề xuất bổ sung phần chi phí bán trú, ăn trưa cho học sinh)” - bà Lệ nói thêm.

Ngoài ra, theo bà Lệ, cần mở rộng các hình thức trông trẻ tại những trường mẫu giáo công từ  sáu tháng tuổi đến năm tuổi; mở rộng các hình thức giáo dục sau giờ học với chi phí thấp (từ 17 giờ đến 19 giờ); mở rộng các loại hình sinh hoạt trong trường công để trẻ có những hoạt động phù hợp với lịch sinh hoạt và đi làm của cha mẹ.

“Bên cạnh đó, đa dạng hóa hình thức nghỉ chăm trẻ như cho ngày nghỉ/buổi nghỉ chăm trẻ cho các gia đình có con dưới ba tuổi; nâng số ngày nghỉ phép hưởng lương cho các gia đình có con dưới năm tuổi; hỗ trợ phụ nữ quay lại công việc và thị trường lao động sau sinh thông qua hoạt động giới thiệu việc làm” - bà Lệ kiến nghị.

ThS Nguyễn Quang Việt Ngân, Phó Trưởng khoa Địa lý Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, cho rằng để tăng cường hiệu quả của “Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng” và đạt được hiệu của của mục tiêu nâng cao chất lượng dân số, cần truyền thông nam, nữ ở độ tuổi kết hôn các yếu tố bất lợi của việc kết hôn và sinh con quá muộn.

“Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ mua nhà ở xã hội, thuê nhà cho nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi. Hỗ trợ chi phí giáo dục cho con được sinh ra từ vợ chồng dưới 30 tuổi. Xã hội hóa dịch vụ trông trẻ phù hợp với điều kiện kinh tế của người lao động, giờ nghỉ và chăm sóc trẻ, dịch vụ đưa đón trẻ” - bà Ngân nói thêm.

Sinh con sớm góp phần đạt mức sinh thay thế

Nam và nữ trước 30 tuổi phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần và xác định được trách nhiệm làm cha, làm mẹ. Bộ máy sinh sản nam và nữ cũng phát triển toàn diện, đủ sức khỏe để đảm bảo việc mang thai và sinh con.

Vợ chồng kết hôn sớm sẽ sinh con sớm, có thời gian sinh đủ hai con. Những đứa con sinh ra trong giai đoạn này luôn khỏe mạnh và tốt nhất. Việc này góp phần đảm bảo đạt mức sinh thay thế và ngăn ngừa tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.

Nam, nữ sau tuổi 35 có nguy cơ khó sinh con và con sinh ra dễ có nguy cơ khuyết tật.

Bà PHẠM THỊ MỸ LỆPhó Chi cục trưởng phụ trách 
Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM

Tổng tỉ suất sinh của TP.HCM thấp so với cả nước

Tổng tỉ suất sinh của TP.HCM theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở thời điểm 1-4-2019 là 1,39 con, thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế của cả nước là 2,09 con. Mức sinh thấp sẽ tác động nhiều đến cơ cấu dân số TP.HCM trong tương lai.

Ông PHẠM CHÁNH TRUNGPhó Chi cục trưởng 
Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM
 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

(PLO)- Chủ nuôi chó, mèo phải đáp ứng điều kiện nuôi để chính quyền dễ quản lý, giảm tình trạng một nhà nuôi số lượng lớn làm ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh.