Đề xuất chấp nhận bản sao cà vẹt khi kiểm tra

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng đã có văn bản gửi Bộ Tư pháp, đề nghị bộ này hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành nghị định thay thế Nghị định 163/2006, Nghị định 11/2012 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 163 về giao dịch bảo đảm) theo hướng quy định bên nhận thế chấp có quyền giữ bản chính giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp.

Đồng thời, trong thời gian chờ Chính phủ ban hành nghị định thay thế, NHNN cũng đề nghị Bộ Công an chỉ đạo cơ quan công an các cấp cho phép người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng bản sao giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông (cà vẹt xe) có xác nhận của tổ chức tín dụng (TCTD) khi lưu thông.

Dân khổ vì những quy định mâu thuẫn

Theo NHNN, thời gian qua NHNN đã nhận được nhiều văn bản kiến nghị của các TCTD và doanh nghiệp phản ánh việc CSGT xử phạt vi phạm hành chính khi sử dụng bản sao cà vẹt xe có xác nhận của TCTD nhận thế chấp khi tham gia giao thông.

Tuy nhiên, Nghị định 11/2012 quy định bên thế chấp (tạm gọi là người mua xe) được giữ bản chính cà vẹt xe. Thực tế điều này đã nảy sinh những tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với bên nhận thế chấp. Như thế dễ dẫn tới các TCTD phải ngừng cho vay có thế chấp bằng phương tiện giao thông vận tải. Khi đó người dân, doanh nghiệp sẽ không còn cơ hội để vay vốn; bị giảm khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng NH, ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

Trong khi đó, Bộ luật Dân sự 2015 thì quy định rõ bên nhận thế chấp có quyền giữ giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp nếu các bên có thỏa thuận. Do đó, việc người mua xe giữ bản chính cà vẹt xe, đồng thời vẫn giữ tài sản thế chấp như quy định tại Nghị định 11 đã không còn phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự 2015 và dẫn tới những khó khăn, vướng mắc như đã nảy sinh trong thời gian qua.

Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Công an chỉ đạo cơ quan công an các cấp cho phép người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng bản sao cà vẹt xe có xác nhận của tổ chức tín dụng khi lưu thông. Ảnh: HOÀNG GIANG

Cần thêm thời gian

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Phạm Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp), cho biết khi có ý kiến từ NHNN, Cục sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ Tư pháp về việc trình Chính phủ phương án xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 11/2012. Nội dung nghị định thay thế theo hướng nào cần có sự thống nhất giữa các bộ, ngành. “Việc này cần có thêm thời gian vì Bộ Tư pháp còn phải trình Chính phủ xin ý kiến cho phép xây dựng nghị định thay thế” - ông Ngọc nói.

Trong khi đó, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế NH (Hiệp hội NH Việt Nam), cho rằng việc xây dựng nghị định mới thay thế Nghị định 11 là khó thực thi trong thời gian ngắn vì muốn sửa Nghị định 11 thì phải xây dựng chương trình từ năm nay và có khả năng sang năm mới thực hiện được.

Bên cạnh đó, theo ông Đức, việc NHNN đề nghị Bộ Công an trong thời gian chờ nghị định thay thế có thể chấp nhận bản sao giấy đăng ký cũng rất khó thực hiện, bởi phía công an không được phép làm điều này, nếu thực hiện sẽ trái luật. Giấy đăng ký xe liên quan đến rất nhiều luật, nhất là Luật Giao thông đường bộ. Do vậy, theo ông Đức, trong trường hợp này Chính phủ cần ra văn bản tạm dừng xử phạt để chờ nghiên cứu các phương án phù hợp.

Căn cứ BLDS 2015 để áp dụng

Trước đó, ngày 24-5-2017, NHNN đã ban hành văn bản gửi các TCTD yêu cầu thực hiện nghiêm túc quy định về việc bên thế chấp giữ bản chính cà vẹt xe trong thời gian hợp đồng thế chấp có hiệu lực theo quy định tại Nghị định 11/2012 của Chính phủ. Đồng thời văn bản này cũng được gửi cho Bộ Công an. Kế đến, ngày 31-5-2017, Cục CSGT (Bộ Công an) đã có công văn gửi công an các tỉnh, nêu rõ đối với những phương tiện thế chấp tại NH khi tham gia giao thông thì bên thế chấp được giữ bản chính cà vẹt xe trong thời hạn thực hiện hợp đồng thế chấp tại Nghị định 11/2012.

Tuy nhiên, các NH thương mại vẫn tiếp tục hướng dẫn nhân viên tín dụng làm việc với khách hàng để giữ bản gốc cà vẹt xe. Các NH thương mại cũng viện dẫn Điều 323 Bộ luật Dân sự 2015 khẳng định quyền của bên nhận thế chấp là “Giữ giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp trong trường hợp hai bên có thỏa thuận, trừ trường hợp có quy định khác”. Theo đó, trường hợp luật có quy định khác thì việc thỏa thuận đó của các bên phải tuân thủ theo luật chứ không tuân theo quy định khác của nghị định.

Theo các NH thương mại, căn cứ theo Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn. Theo quy định, luật sẽ có hiệu lực pháp lý cao hơn nghị định. Do đó, các NH thương mại sẽ căn cứ vào BLDS 2015 để áp dụng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm